Ở một đơn vị quân y anh hùng

NDO - NDĐT-Hơn 52 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn - Khoa ngoại bụng, Bệnh viện 103 ( Học viện Quân y), không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, gian khổ; đã có sự đóng góp đáng kể vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ quân - dân . Mùa xuân này, đơn vị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT thời chống Mỹ.

Thiếu tướng , PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103, một bác sĩ trưởng thành từ Bộ môn - Khoa ngoại bụng (quen gọi là B2) trao đổi với chúng tôi: Bệnh viện 103 có truyền thống hơn 60 năm, thì bộ môn - Khoa B2 là một trong những đơn vị chủ công của bệnh viện qua các thời kỳ. Thành tích của bộ môn - Khoa không chỉ được ghi nhận, đánh giá là có nhiều đóng góp vào công tác đào tạo, điều trị, phục vụ cứu, chữa thương binh, bệnh binh trên các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà hơn mười năm gần đây B2 cũng là nơi mạnh dạnh chuyển giao các kỹ thuật mới, y học chuyên sâu vào phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân...

Đến nay, lĩnh vực ghép tạng ở nước ta đã có bước phát triển mới (khoảng 10 bệnh viện lớn có khả năng triển khai ghép thận, gan) nhưng cách đây gần 20 năm, khi ca ghép thận đầu tiên được khởi xướng tại bệnh viện 103 (Học viện quân y), rồi ca ghép gan tiến hành đầu những năm 2000, đều có sự tham gia của một số bác sĩ Bộ môn - Khoa B2. Cho nên trong thành tích chung của cụm công trình về ghép tạng, do các GS.TSKH Lê Thế Trung và GS.TS Phạm Gia Khánh chủ trì năm 2005 được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, đều có sự đóng góp của các thầy thuốc Bộ môn - Khoa B2, Bệnh viện 103.

Là một bệnh viện thực hành của Học viện quân y, Bệnh viện 103 hiện có quy mô hơn 1000 giường điều trị. Khoa phẫu thuật bụng (B2) có biên chế 42 giường, nhưng thường xuyên có từ 70 đến 90 bệnh nhân vào, ra chữa bệnh với các loại mổ lớn, nhỏ khác nhau. Một ngày cận tết Tân Mão, người viết bài vào chăm sóc người thân không may phải mổ cấp cứu về tiêu hoá. Từ chiều tối đến khoảng 11 giờ đêm, được chứng kiến các bác sĩ ở đây phải “thi công” bốn, năm ca; vất vả là thế nhưng bệnh nhân hay người nhà của họ yêu cầu điều này, mong muốn cái kia đều được cán bộ, nhân viên trực của khoa ứng xử với thái độ ân cần, nhã nhặn.

Theo đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Xuyên chủ nhiệm bộ môn, và đại tá TS Đặng Việt Dũng, chủ nhiệm khoa, do đặc thù công việc nên các cán bộ ở đây cùng một lúc phải đảm nhiệm “hai vai”: thầy giáo trong đào tạo, và thầy thuốc điều trị, chữa bệnh hàng ngày. Về công tác đào tạo, chỉ tính khoảng 30 năm trở lại đây, các cán bộ trong Bộ môn - Khoa B2 đã góp phần đào tạo 142 tiến sĩ, hơn 330 thạc sĩ, 780 bác sĩ chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2, 90 bác sĩ nội trú ngoại khoa. Đồng thời tham gia giảng dạy, bồi dưỡng cho gần 50 khoá bác sĩ dài hạn quân - dân y với gần 10 nghìn sinh viên, sáu khoá bác sĩ cử Tuyển Tây Nguyên, và hàng chục khoá bác sĩ cho địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa... Kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao.

Trong điều kiện nhân lực của Bộ môn - khoa còn thiếu, hàng năm phải cử cán bộ đi phục vụ ở đảo Trường Sa, tham gia giảng dạy huấn luyện ở các tuyến năm, bảy đợt, nhưng đơn vị, mỗi năm vẫn thu dung hơn 3000 người bệnh. Thực hiện mổ từ 1800 - 2000 trường hợp, trong đó như năm 2010, các thầy thuốc của khoa đã thực hiện hơn 70% ca đại phẫu, số trường hợp mổ nội soi chiếm gần 50%.

Điều đáng nói là đội ngũ cán bộ, bác sĩ của Bộ môn - Khoa B2 được đào tạo cơ bản, luôn có ý thức cải tiến kỹ thuật tìm ra giải pháp hữu ích và sớm mạnh dạn ứng dụng các kỹ thuật cao vào phục vụ điều trị người bệnh, nhất là phương pháp mổ nội soi. Hơn năm năm về trước, nội soi mới dừng lại ở các mặt bệnh đơn giản như cắt ruột thừa, túi mật, thì giờ đây, kỹ thuật ưu việt này đã trở thành thường quy được các bác sĩ B2 thực hiện trong các ca phẫu thuật phức tạp cắt gan, đại trực tràng, tá tuỵ, thực quản .. Kỹ thuật mới này, không chỉ giúp bệnh nhân mau hồi phục, vết mổ đẹp, mà còn rút ngắn ngày điều trị, và đỗ tốn kém về tài chính.

Đạt được những thành tựu như đã nói, theo Thiếu tướng, giám đốc Bệnh viện Hoàng Mạnh An, trước hết là sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc Bộ môn - Khoa B2 hôm nay, trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống của đơn vị cách đây 40 - 50 năm về trước.

Nhắc đến Bệnh viện 103, trong quá khứ, các thế hệ thầy thuốc ngày nay chưa thể nào quên giữa những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không ít cán bộ, nhân viên của bệnh viện, trong đó có Bộ môn - Khoa B2 đã lên đường phục vụ cuộc chiến đấu của quân, dân hai miền Nam, Bắc hay các chiến trường C, K. Đó là các chuyến đi thực tế, phục vụ cứu chữa thương, bệnh binh kết hợp nghiên cứu về ngoại khoa chung và ngoại khoa dã chiến tại các mặt trận B5, đường 9 - Nam Lào, Trung Trung bộ, Tây Nguyên... để sau này đúc kết nên các công trình, báo cáo khoa học tổng kết ngoại khoa chiến trường, phục vụ thiết thực công tác đào tạo và điều trị người bệnh trong các bệnh viện như: Vết thương lồng ngực, một số vết thương ngoại khoa thời chiến (của bác sĩ Lê Cao Đài), các vết thương ở bụng, đa chấn thương, vết thương sọ não, công tác ngoại khoa dã chiến, điều trị một số trường hợp bỏng phốt pho ... của các bác sĩ Đồng Sĩ Thuyên, Lê Thế Trung, Nguyễn Ấu Thực, Lê Sĩ Liêm.

Hiếm có một Bộ môn - Khoa như B2, bởi hơn nữa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, đã có hàng chục cán bộ của đơn vị trở thành GS, tướng lĩnh, nhà giáo Nhân dân, thầy thuốc Nhân dân; tiêu biểu trong đó như các Thiếu tướng, GS. TS. anh hùng LLVTND, anh hùng Lao động Trương Công Trung, Phạm Gia Triệu, Lê Thế Trung... Vinh dự hơn, mùa xuân này (đầu tháng 2), ghi nhận những thành tích đóng góp của đơn vị vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã có quyết định phong tặng tập thể Bộ môn - Khoa B2 (Bệnh viện 103) danh hiệu anh hùng LLVTND thời kháng chiến chống Mỹ, riêng cố GS Lê Cao Đài - cán bộ cũ của đơn vị cũng được truy tặng danh hiệu cao quý này.