Theo Quy hoạch được phê duyệt, Nghệ An sẽ tập trung phát triển hai khu vực động lực tăng trưởng, gồm thành phố Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng. Hình thành bốn hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển gắn với trục Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7A; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A; trong đó, phát triển hành lang kinh tế ven biển là trọng tâm. Tập trung đầu tư sáu trung tâm đô thị: Đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10,5-11%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 7.500-8.000 USD.
Công an thành phố Tam Kỳ phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”
Công an TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) tổ chức lễ phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” và trao tặng bình chữa cháy cho cán bộ, chiến sĩ nhằm tạo sự lan tỏa, hưởng ứng sâu rộng trong người dân trên địa bàn thành phố.
Tại buổi lễ phát động, lãnh đạo Công an TP Tam Kỳ đã trao tặng 200 bình chữa cháy, yêu cầu tất cả các cán bộ, chiến sĩ trang bị bình chữa cháy xách tay cho gia đình mình; đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy; sẵn sàng chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Với các hộ dân trên địa bàn, Công an TP Tam Kỳ phấn đấu đến ngày 30/9/2023 vận động 50% hộ gia đình tự trang bị một bình chữa cháy và đến 31/12/2023 hoàn thành 100% trên địa bàn thành phố.
Đà Nẵng bố trí 44 căn hộ chung cư cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuê
Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng đã ban hành phương án xét duyệt, bố trí cho thuê chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối tượng được thuê là các hộ có tên trong danh sách hộ nghèo được công nhận tại địa phương theo quy định; số lượng căn hộ cho thuê đợt này gồm 44 căn; điều kiện gồm: Có đăng ký hộ khẩu và thường trú liên tục tại TP Đà Nẵng đủ bảy năm trở lên tính đến thời điểm nộp hồ sơ; chưa sở hữu nhà ở, chưa có quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố; trường hợp có nhà ở, quyền sử dụng đất ở nhưng đã chuyển nhượng thì chỉ xem xét khi đủ 5 năm kể từ thời điểm chuyển nhượng; chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại thành phố. Cùng với đó là các điều kiện ưu tiên như hộ có người bị khuyết tật nặng, hộ có người bị bệnh hiểm nghèo, hộ có người đơn thân nuôi con.
Giá dầu tăng liên tiếp, tàu cá nguy cơ phải nằm bờ
Theo nhiều chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở Quảng Ngãi, xăng, dầu chiếm hơn 50% chi phí của mỗi chuyến ra khơi, trong khi sản lượng đánh bắt, giá hải sản giảm đã khiến cho nhiều chủ tàu ra khơi với nỗi lo lỗ vốn. Không chỉ chi phí nhiên liệu mà hàng loạt chi phí khác như tiền nước đá, thực phẩm, tiền công lao động của thuyền viên cũng tăng theo. Trong khi đó nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, cho nên tàu đi biển phải đi xa hơn, dài ngày hơn, dẫn đến phí xăng, dầu cũng tăng lên. Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi cho biết, nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng, ngư dân ra khơi đánh bắt chắc chắn sẽ lỗ và có nguy cơ cho tàu nằm bờ.
Bảo tồn, phát triển làng nghề có nguy cơ thất truyền ở Bình Định
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của làng nghề; phát triển thương hiệu gắn với phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các làng nghề như: Rượu Bàu Đá; bánh tráng, bún; trồng hoa Bình Lâm; nón ngựa Phú Gia; dệt thổ cẩm...
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ lựa chọn một số làng nghề để tập trung phát triển khi đáp ứng các tiêu chí như được công nhận làng nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động; có sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng tạo nên thương hiệu cho địa phương; có tiềm năng phát triển gắn với du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa... Làng nghề được lựa chọn để bảo tồn và phát triển phải đáp ứng tiêu chí: Hình thành lâu đời tại địa phương; sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương; hoạt động nhưng đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.