Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã trao đổi, thảo luận, ký các nội dung hợp tác và nhận hỗ trợ từ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.
Từ năm 2024 đến 2030, mỗi năm Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cây giống các loại, như phi lao, cây lâm nghiệp, cây xanh cảnh quan, cây ăn quả, hoa... và các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, giá thể theo nhu cầu và khả năng thực tế để Vùng 4 Hải quân thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa” và phủ xanh căn cứ quân sự Cam Ranh. Mục tiêu của hội là hơn 100.000 cây xanh các loại mỗi năm, phấn đấu từ năm 2024 đến năm 2030 đạt 1,5 triệu cây.
Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số trong các vấn đề xã hội cấp thiết
Tại thành phố Huế, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo”. Là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, hội thảo hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi. Sau khi nghe tham luận từ các chuyên gia, các đại biểu chia nhóm để trao đổi, chia sẻ thêm về kết quả triển khai dự án cùng những đặc điểm thực tế tại từng địa phương và rút ra những nội dung cần tiếp tục tập trung giải quyết...
Công bố quyết định công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024
Tại huyện A Lưới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024. Huyện A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025, đồng thời là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 49,98% vào cuối năm 2021, huyện đã phấn đấu giảm xuống còn 24,3% vào cuối năm 2023 và dự kiến giảm còn 14,34% vào cuối năm 2024. Cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rõ rệt, đường giao thông liên xã được đầu tư, các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng. Thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt, cuối năm 2021 là 27,5 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2023 được nâng lên 35,22 triệu đồng/người/năm. Dự kiến đến cuối năm 2024, thu nhập đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm và đến năm 2025 đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm..
Đại diện lãnh đạo các cơ quan của tỉnh Quảng Nam trao thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. (Ảnh: T.CÔNG) |
Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng tặng thưởng 20 cá nhân có thành tích xuất sắc
Ban điều hành Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng - Báo Quảng Nam vừa tổ chức lễ trao thưởng tặng 20 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập, thể dục-thể thao và sáng tạo khoa học kỹ thuật. Trong số 20 cá nhân được trao tặng, có 16 học sinh THPT và 4 vận động viên có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực học tập, thể dục-thể thao, sáng tạo khoa học kỹ thuật… Theo đó, 18 cá nhân được trao với mức 5 triệu đồng/suất; 2 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc được tặng thưởng đặc biệt, với mức 10 triệu đồng/suất. Kinh phí trao thưởng được trích từ nguồn Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng của Báo Quảng Nam do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Quảng Nam tài trợ...
Khánh Hòa siết chặt an toàn thực phẩm trong trường học
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Chỉ thị số 12, yêu cầu ngành giáo dục cùng các ban, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong cơ sở giáo dục. Trong năm học mới 2024 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục với sáu yêu cầu. Cụ thể, phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo phạm vi, lĩnh vực phụ trách; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục về an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định...