Tin tức tuần qua

Triển lãm Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00

Nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận-Hội tụ xanh”, từ ngày 27/8-3/9/2023 tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sẽ diễn ra triển lãm “Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam”. Ðây là hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp UBND 22 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức.

Triển lãm sẽ trưng bày 270 hình ảnh và các hiện vật là góc nhìn tổng quát về biển, đảo Việt Nam chia theo bốn nội dung chính gồm: Tư liệu, hiện vật về văn hóa biển, đảo Việt Nam trong lịch sử: Trưng bày bản đồ cổ, các tư liệu Hán-Nôm, châu bản triều Nguyễn về chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; Hình ảnh, kỷ vật đoàn tàu không số, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển; Những hiện vật cổ về văn hóa biển, đảo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử... Bên cạnh đó, 22 tỉnh, thành phố sẽ có không gian trưng bày “Sắc màu di sản văn hóa, biển, đảo”.

Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu muối Sa Huỳnh

Ðược Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2011, tuy nhiên, do nghề muối bấp bênh, giá cả đầu ra không ổn định cho nên việc phát triển thương hiệu muối Sa Huỳnh gặp rất nhiều khó khăn. Với diện tích khoảng 100 ha, hằng năm, diêm dân Sa Huỳnh sản xuất đạt sản lượng khoảng 7.000 tấn muối. Ðến nay, diện tích sử dụng nền phủ bạt sản xuất muối sạch đã chiếm hơn 55%, trong đó, có một số sản phẩm chế biến từ muối Sa Huỳnh đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tin tức tuần qua ảnh 1

Du khách tham quan đồng muối Sa Huỳnh.

Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng muối đạt hơn 20.000 tấn/năm; trong đó, 100% diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp. Tổng vốn đầu tư để phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong giai đoạn này vào khoảng hơn 100 tỷ đồng. Ðây sẽ là cơ hội để muối Sa Huỳnh - vựa muối chủ lực của Quảng Ngãi xây dựng và phát triển mạnh thương hiệu, tạo điều kiện cho diêm dân giàu lên từ muối.

Nhiều công trình, phần quà tặng thiếu nhi trong dịp hè

Tại tỉnh Bình Ðịnh, Hội đồng Ðội Trung ương tổ chức Ngày hội “Tuổi trẻ Việt Nam-Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai”, tổng kết các hoạt động hè dành cho thiếu nhi năm 2023.

Các hoạt động hè dành cho thiếu nhi năm nay được khởi động từ ngày 28/5 vừa qua. Ngay trong chương trình khai mạc hè, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Hội đồng Ðội Trung ương đã trao tặng thiếu nhi các địa phương nhiều công trình, quà tặng với tổng giá trị 27,4 tỷ đồng.

Ðoàn, Ðội các cấp cũng đã tổ chức 4.614 hoạt động vui chơi, giải trí, sáng tạo cho hơn 242 nghìn thiếu nhi; tổ chức hơn 1.000 lớp dạy bơi miễn phí cho hơn 42 nghìn em nhỏ; trao tặng các em 35 bể bơi di động và cố định, 94 nhà “Khăn quàng đỏ”, 183 điểm sinh hoạt, vui chơi và xây mới 30 nhà vệ sinh, 91 không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt đội.

Khánh Hòa bổ sung Khu đô thị vịnh Cam Ranh vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt bổ sung dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của thành phố Cam Ranh.

Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 336/QÐ-TTg ngày 1/4/2023. Khu vực lập dự án có tổng diện tích hơn 1.254 ha, thuộc địa phận các phường Cam Lợi, Ba Ngòi, Cam Thuận, Cam Nghĩa, Cam Phúc Nam, Cam Phú, Cam Linh Cam Phúc Bắc và các xã Cam Thịnh Ðông, Cam Lập (TP Cam Ranh).

Tin tức tuần qua ảnh 2

Phố biển Nha Trang (Khánh Hòa).

Dự án sẽ bao gồm gần 8.500 căn nhà liền kề, hơn 10.000 biệt thự và 19.816 căn nhà ở xã hội. Sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án là 86.290 tỷ đồng (hơn 3,5 tỷ USD), trong đó chi phí thực hiện dự án là 85.294 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 997 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án 5 năm, từ năm 2023 đến 2027.

Phú Yên điều tiết nước chống hạn cho hơn 1.000 ha lúa vụ hè thu

Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, một số cánh đồng sử dụng nước hệ thống thủy nông Ðồng Cam bị thiếu nước tưới, xảy ra khô hạn với diện tích hơn 1.000 ha lúa. Trước tình hình này, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Ðồng Cam (Phú Yên) đã triển khai nhiều trạm bơm chống hạn cấp nước cho một số diện tích lúa bị khô hạn thuộc hệ thống tưới của công ty. Ðồng thời, công ty tiếp tục phối hợp với các địa phương để điều tiết nước tưới, cấp đủ nước cho tất cả số diện tích lúa bị khô hạn.

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên nhận định, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, nguy cơ diện tích lúa bị khô hạn sẽ tiếp tục tăng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh có ý kiến với Tập đoàn Ðiện lực, Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia để chỉ đạo hai nhà máy Thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ thực hiện chạy phát điện kết hợp xả nước bảo đảm lưu lượng nhằm phục vụ tưới chống hạn lúa hè thu 2023.