Trong cuộc bầu cử vừa qua, liên minh “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Macron chỉ giành được 245/577 ghế, không đủ 289 ghế tối thiểu cần thiết để chiếm đa số tại Quốc hội Pháp, dẫn đến nguy cơ Quốc hội bị tê liệt hoặc những bên liên minh với ông Macron buộc phải tìm kiếm liên minh mới. Tuy nhiên, những liên minh tương tự thường thiếu ổn định khiến chính phủ chỉ tồn tại được vài tháng.
Sau khi Tổng thống Macron đánh mất thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội trong cuộc bầu cử, người phát ngôn Chính phủ Pháp khẳng định, việc giải tán Quốc hội không phải là chủ đề được bàn đến hiện nay. Chính phủ sẽ tiếp xúc với tất cả các đảng ôn hòa để tìm cách thiết lập thế đa số tại Quốc hội. Hiện chưa rõ động thái tiếp theo của liên minh của Tổng thống Macron khi liên minh này buộc phải đàm phán với các nghị sĩ khác nhằm tìm kiếm thỏa thuận.
Trong khi đó, nguồn tin từ một nhóm ủng hộ Liên minh Sinh thái và Xã hội nhân dân mới (NUPES) - liên minh cánh tả của Pháp - cho biết, liên minh này có kế hoạch đề nghị một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của Tổng thống Macron vào ngày 5/7 tới. NUPES là nhóm lớn thứ hai trong Hạ viện sau cuộc bầu cử, nhưng cũng không có đủ số phiếu để có thể tự mình thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ông Jean-Luc Melenchon (G.Mơ-lăng-sông)-người đứng đầu đảng Nước Pháp Bất khuất vốn có nhiều nghị sĩ nhất trong liên minh NUPES, cho rằng Thủ tướng Elisabeth Borne nên kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ của mình trước Quốc hội mới được bầu. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Xã hội - Olivier Faure (O.Phô-rơ), một nhân vật cấp cao khác trong liên minh, nêu rõ việc kêu gọi Thủ tướng Borne từ chức không phải là quan điểm chung của liên minh lúc này.