Hoạt động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Phúc lợi và Phát triển Philippines đồng chủ trì tổ chức, với sự hỗ trợ từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, gần 3 năm, cả thế giới, trong đó có khu vực ASEAN và các nước thành viên, vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19. Sự bùng phát của đại dịch đã và đang gây ra những khủng hoảng về y tế, kinh tế, xã hội nghiêm trọng chưa từng có, gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn và tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh xã hội đối với tất cả các quốc gia. Những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra đòi hỏi Chính phủ các nước phải đưa ra nhiều biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ tính mạng của người dân, ổn định nền kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong trạng thái bình thường mới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 diễn ra vào cuối năm 2021 vừa qua, các nhà lãnh đạo Cấp cao ASEAN ghi nhận Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy công tác xã hội, hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng sau khi Tuyên bố đã được Cấp cao ASEAN thông qua vào năm 2020. Điều này đã tiếp tục khẳng định cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy, tăng cường vai trò của công tác xã hội, trong đó có việc nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong Cộng đồng ASEAN.
Với 7 lĩnh vực ưu tiên nhằm hiện thực hóa 11 cam kết của các nhà Lãnh đạo ASEAN, Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh ngành công tác xã hội hiện nay chưa đáp ứng được các nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực công tác xã hội. Ngày 22/1/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình phát triển Công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho người dân. Chương trình đặt ra 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, rất phù hợp với những ưu tiên của khu vực được nêu trong bản Lộ trình thực hiện Tuyên bố.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, để ngành công tác xã hội và nhân viên công tác xã hội ngày càng phát huy được vai trò quan trọng của mình, vấn đề nguồn lực, tính chuyên nghiệp của công tác xã hội và tài chính là vô cùng quan trọng. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực chuyên ngành liên quan sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển sâu rộng hơn của công tác xã hội.
Hội nghị lần này có sự tham gia trực tuyến của các đầu mối phụ trách công tác xã hội ASEAN, các quan chức phụ trách các kênh hợp tác chuyên ngành của ASEAN như phúc lợi xã hội và phát triển, y tế, giáo dục, tư pháp, tài chính, quản lý thiên tai, phụ nữ, thanh niên, an ninh, nhân quyền…; Ban Thư ký ASEAN; các đại diện của UNICEF và các tổ chức quốc tế, đối tác khác của ASEAN.
Diễn ra từ ngày 26-28/4, hoạt động có 8 phiên làm việc chính. Chương trình tập trung vào các nội dung như: vai trò của công tác xã hội trong các lĩnh vực chuyên ngành; xây dựng các hướng dẫn về vai trò công tác xã hội trong các cơ quan chuyên ngành và tỷ lệ cán bộ công tác xã hội tại các quốc gia; thúc đẩy việc công nhận, hỗ trợ và quy định về lực lượng cung cấp/thực hiện dịch vụ xã hội trong tương lai.
Tại hội nghị, các nước thành viên ASEAN cũng sẽ tham gia vào phiên chia sẻ kinh nghiệm/quan điểm quốc gia nhằm xác định các hành động chiến lược theo từng lĩnh vực ưu tiên của Lộ trình. Từ đó, thúc đẩy việc thực hiện Lộ trình ở cấp quốc gia và khu vực.
Với 7 lĩnh vực ưu tiên nhằm hiện thực hóa 11 cam kết của các nhà Lãnh đạo ASEAN, Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN. Đặc biệt, những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra đòi hỏi Chính phủ các nước phải đưa ra nhiều biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ tính mạng của người dân, ổn định nền kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong trạng thái bình thường mới.