Ðại sứ Nga tại Liên hợp quốc đã kêu gọi Hội đồng Bảo an tiến hành bỏ phiếu về một nghị quyết do Nga soạn thảo về “tình hình nhân đạo xấu đi” tại Ukraine. Dự thảo nghị quyết của Nga nhấn mạnh đến những quan ngại về tình hình nhân đạo xấu đi trong và chung quanh Ukraine; đồng thời đòi hỏi sự bảo vệ tuyệt đối cho dân thường.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blinh-ken) cho biết, Mỹ sẽ cung cấp bổ sung hơn 186 triệu USD viện trợ nhân đạo cho những người dân Ukraine mất chỗ ở trong nước và hơn 3 triệu người phải ra nước ngoài lánh nạn. Tổng Thư ký NATO cân nhắc khả năng sớm tổ chức một hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo liên minh quân sự này để thảo luận tình hình tại Ukraine, song từ chối cung cấp chi tiết chương trình nghị sự của hội nghị.
Theo đuổi con đường ngoại giao
Theo Sputnik, ông Mykhailo Podolyak (M.Pô-đô-li-ắc), Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, vòng đàm phán thứ tư giữa Ukraine và Nga tiếp tục diễn ra trong ngày 16/3 (giờ địa phương). Theo ông Podolyak, giữa hai bên có những mâu thuẫn cơ bản, nhưng vẫn có chỗ cho sự thỏa hiệp.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa đã điện đàm về tình hình Ukraine, trong đó hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao. Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Quốc vương Jordan tại Berlin, Thủ tướng Ðức tuyên bố tất cả hình thức ngoại giao nên được mở để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Ukraine.
Thủ tướng Italia Mario Draghi và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhất trí tiếp tục theo đuổi một phản ứng thống nhất đối với Nga sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong một tuyên bố sau cuộc họp tại Rome, hai bên cũng đánh giá diễn biến và tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.
Ukraine tiếp tục nhận được các cam kết hỗ trợ
Theo hãng tin TASS và Sputniknews, ngày 15/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (V.Dê-len-xki) tuyên bố đã đến lúc phải thừa nhận rằng Ukraine sẽ không trở thành một thành viên của NATO. Tổng thống Zelensky đưa ra tuyên bố nêu trên khi phát biểu tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo của Lực lượng Viễn chinh chung (JEF) do Anh dẫn đầu. Ông Zelensky nhấn mạnh, Ukraine cần tìm kiếm các hình thức hợp tác mới với phương Tây và sự bảo đảm an ninh.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine để thảo luận những nhu cầu an ninh của quốc gia Ðông Âu. Thủ tướng ba nước Ba Lan, Séc và Slovenia với tư cách đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev.
Trước diễn biến tại Ukraine, phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Ukraine, Phó Thủ tướng Ba Lan đồng thời là lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền, ông Jaroslaw Kaczynski đề xuất gửi phái bộ gìn giữ hòa bình của NATO tới Ukraine. Theo ông, phái bộ triển khai tới Ukraine có mục đích mang lại hòa bình, cung cấp viện trợ nhân đạo, được lực lượng vũ trang bảo vệ.
EU thông báo sẽ tước bỏ quy chế tối huệ quốc (MFN) của Nga theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EU đã đồng ý về biện pháp này với 13 thành viên khác trong WTO, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản… Biện pháp này không yêu cầu bất kỳ thủ tục nào trong WTO bởi đây là quyết định đơn phương. Nga có quyền khởi kiện các nước nêu trên nếu Moskva cho rằng các quy tắc của WTO bị vi phạm.
Theo hãng tin Sputniknews, Bộ Ngoại giao Nga thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng hơn 300 Nghị sĩ quốc gia Bắc Mỹ này. Trước đó, cùng ngày, Nga đã thông báo trừng phạt Tổng thống Joe Biden và một loạt quan chức cấp cao của Mỹ.
Nga chính thức gửi thông báo rút khỏi Ủy hội châu Âu và cáo buộc các nước thành viên NATO phải chịu trách nhiệm về việc đổ vỡ đối thoại. Ông Pyotr Tolstoy, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, kiêm Trưởng phái đoàn Nghị sĩ Nga tại Hội đồng Nghị viện Ủy hội châu Âu (PACE), cho biết quyết định chính thức rút khỏi Ủy hội châu Âu được đưa ra cùng thư thông báo của Bộ trưởng Ngoại giao Nga gửi Tổng Thư ký tổ chức này. Nga cũng thông báo ngừng đóng góp tài chính cho Ủy hội châu Âu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam tại Romania và Ba Lan cùng Hãng hàng không Vietnam Airlines tiếp tục phối hợp tổ chức hai chuyến bay do Tập đoàn Sun Group tài trợ, đưa công dân Việt Nam và gia đình sơ tán từ Ukraine về nước. Theo đó, chuyến bay số hiệu VN88 đưa khoảng 240 người từ Bucharest, Romania về nước dự kiến hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào sáng 17/3 và chuyến bay VN58 đưa khoảng 240 người từ Warsaw, Ba Lan về nước sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài sáng 19/3. Tính đến ngày 16/3, Việt Nam đón hơn 4.600 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận, trong đó gần 1.200 người đã về nước an toàn.