Tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo ở Afghanistan

Giới chức Pakistan ngày 27/2 thông báo, nước này và Afghanistan đã mở lại cửa khẩu quan trọng Chaman-Spin Boldak, vài ngày sau cuộc đụng độ tại đây làm ít nhất ba người chết.

Thương nhân Pakistan và người dân Afghanistan tập trung tại khu vực cửa khẩu ở Chaman (Pakistan) ngày 26/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thương nhân Pakistan và người dân Afghanistan tập trung tại khu vực cửa khẩu ở Chaman (Pakistan) ngày 26/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc mở lại cửa khẩu này nhằm giải quyết vấn đề nhân đạo khi mỗi ngày có tới hàng nghìn người qua lại, trong đó có các thương nhân, người dân Afghanistan đi khám, chữa bệnh tại Pakistan và người có nhu cầu thăm thân.

Người phát ngôn lực lượng biên phòng của Pakistan cho biết, hai bên đã mở cửa trở lại biên giới cho mọi hoạt động. Động thái này diễn ra sau cuộc đàm phán thành công giữa các quan chức Pakistan và chính quyền tỉnh Kandahar của Afghanistan. Người phát ngôn của tỉnh trưởng Kandahar cũng xác nhận thông tin về việc mở lại cửa khẩu Chaman-Spin Boldak. 

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành một giấy phép chung mới cho phép các tổ chức viện trợ quốc tế và các công ty tư nhân thực hiện các giao dịch thương mại và tài chính với các tổ chức quản lý của Afghanistan. Giấy phép mới thể hiện sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, vốn cản trở hoạt động thương mại thông thường với các cơ quan quản lý Afghanistan do Taliban đứng đầu kể từ khi lực lượng Hồi giáo này lên nắm quyền vào tháng 8/2021.

Giấy phép mới của Mỹ vẫn duy trì các lệnh cấm giao dịch với các nhà lãnh đạo Taliban bị Mỹ trừng phạt và các cá nhân bị phong tỏa. Giấy phép nêu rõ, trong khi các biện pháp trừng phạt đối với Taliban vẫn còn hiệu lực, hành động này nhằm tạo điều kiện cho các công ty tư nhân và các tổ chức viện trợ làm việc với các cơ quan quản lý của Afghanistan và thanh toán thuế, phí và chi phí hải quan.

Động thái cấp phép mới là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm giúp ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế ở Afghanistan sau khi Washington và các nhà tài trợ khác cắt giảm viện trợ tài chính vốn chiếm 75% chi tiêu công của Afghanistan. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại, liệu các nhân vật ở Afghanistan bị Mỹ trừng phạt có thể hưởng lợi từ các giao dịch với các cơ quan mà họ kiểm soát mà không có cơ chế giám sát hiệu quả hay không.

Việc cắt giảm viện trợ tài chính và đóng băng khoảng 9 tỷ USD trong quỹ ngân hàng trung ương Afghanistan, trong đó có bảy tỷ USD của Washington, đã gây ra cuộc khủng hoảng tiền mặt và nhân đạo ở Afghanistan. Liên hợp quốc cảnh báo, hơn một nửa trong số 39 triệu dân Afghanistan đối mặt nạn đói nghiêm trọng. Tổng thống Mỹ đã ra lệnh sử dụng một nửa trong số bảy tỷ USD bị phong tỏa tại Ngân hàng Dự trữ liên bang New York để có thể tái cấp vốn cho ngân hàng trung ương Afghanistan đang bị tê liệt.