Sputnik V sẽ đưa người Nga trở lại du lịch châu Âu

NDO -

“Rất đáng chú ý và là tín hiệu tích cực” - đó là đánh giá của Điện Kremlin về đề xuất mới đây của Liên hiệp châu Âu (EU) đối với Nga, nhằm cùng nhau tìm ra phương thức bảo đảm để những người đã tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 có thể qua lại biên giới mỗi bên, mà không cần xét nghiệm và cách ly. 

Khoảng 110.000 người được tiêm chủng mỗi ngày tại thủ đô Moskva (Ảnh: Moskva 24)
Khoảng 110.000 người được tiêm chủng mỗi ngày tại thủ đô Moskva (Ảnh: Moskva 24)

Tuy nhiên, để đạt được viễn cảnh trên, Nga và EU cần vượt qua khá nhiều trở ngại, để cùng thống nhất cấp giấy chứng nhận vaccine lẫn nhau, bất chấp sự phản đối của các nước Baltic và thậm chí cả của Pháp. Tờ Vzglyad (Quan điểm) của Nga đã phân tích liệu ý tưởng của EU có thể thành hiện thực?

Việc Đại sứ EU tại Nga Markus Ederer đề nghị Bộ Y tế Nga cùng xem xét thực hiện công nhận lẫn nhau đối với các sản phẩm vaccine của mỗi bên, được giới chức Nga đón nhận tích cực, coi đó là lời đề nghị rất thiết thực trong tình hình hiện nay. Trên thực tế, việc hai bên có thể nhất trí về một loại giấy chứng nhận tiêm chủng thống nhất, sẽ cho phép công dân của Liên bang Nga (những người đã tiêm vaccine của Nga) và công dân các nước EU (những người đã tiêm vaccine của phương Tây) được coi là đã tiêm chủng trên lãnh thổ của nhau, có nghĩa là họ có thể tự do đi lại trong không gian Nga và EU mà không gặp bất cứ trở ngại, hạn chế dịch tễ nào.

Ý tưởng này đáng lẽ đã phải được xem xét thực hiện từ lâu, khi mà thực tế cho đến nay, EU đã phê duyệt bốn loại vaccine gồm Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Moderna và Johnson & Johnson. Những người đã được chủng ngừa các loại vaccine kể trên, từ tháng 6 vừa qua đã được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng bản điện tử và bản giấy. Với giấy chứng nhận này, người được cấp không bắt buộc phải làm xét nghiệm và kiểm dịch khi đi du lịch tại EU. Trong khi đó các cấp có thẩm quyền của EU lại không thừa nhận vaccine Nga (bao gồm cả Sputnik V).

EU liên tục kéo dài thủ tục thừa nhận Sputnik khiến những người đã tiêm Sputnik V vẫn không được coi là đã tiêm chủng ở EU, cũng như cản trở các nước EU đặt mua thuốc của Nga. Trong khi đó, hồi trung tuần tháng 6, giới chức châu Âu đã từng tuyên bố sẽ phê chuẩn vaccine Sputnik vào tháng 9, hoặc cuối năm nay. Tuy nhiên, thực tế khối này vẫn đang lần lữa phê chuẩn vaccine Nga. Nhà chức trách Nga coi đây là hành vi chính trị hóa việc phê chuẩn vaccine. Cách ứng xử này của EU thậm chí bị cho là “thiếu văn minh” trong tình hình hiện nay.

Tờ Vzglyad của Nga cũng đồng thời liệt kê ba trở ngại lớn nhất khiến EU trì hoãn phê chuẩn vaccine Nga một cách nhanh chóng.

Thứ nhất, đó chính là nguyên nhân mang màu sắc chính trị và lợi ích kinh tế. Các công ty dược phẩm châu Âu hiện chưa sẵn sàng chia sẻ thị trường trị giá hàng tỷ đôla của châu Âu với các đối thủ cạnh tranh như Nga. Giới tinh hoa châu Âu hiện cũng chưa sẵn sàng thừa nhận rằng các nhà khoa học Nga đã có thể sản xuất một loại vaccine rẻ hơn, mà lại hiệu quả như vaccine của phương Tây.

Trở ngại thứ hai phụ thuộc chính vào giới chức EU. Quy trình chứng nhận thuốc ở EU cực kỳ phức tạp, trong khi quyết định của giới chức khối này chỉ là một khâu trong nhất nhiều khâu mang tính nguyên tắc, thậm chí họ không có thẩm quyền ​​để đẩy nhanh và đơn giản hóa các thủ tục, quy trình phê chuẩn. Có thể, câu chuyện này sẽ khác đi trong trường hợp “lục địa già” thiếu hụt vaccine. 

Trở ngại thứ ba liên quan chính các thủ tục rườm rà tại Nga. Theo một số báo cáo của Viện Gamaleya phát triển vaccine Sputnik V của Nga và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), một phần nguyên nhân Sputnik của Nga bị chậm trễ trong quá trình nhận giấy chứng nhận, là do họ không thể tuân thủ các thời hạn và tiêu chuẩn do châu Âu đặt ra. Dường như chính Nga đã không có động cơ để thâm nhập thị trường vaccine châu Âu và đã không thực sự cố gắng. 

Hơn thế, việc đưa vaccine Nga vào EU không còn cấp bách, khi mà lúc này người dân Nga đang đổ xô đi tiêm chủng, đẩy cầu tăng đột biến, khiến cung không kịp đáp ứng. Một số thành phố Nga đang lâm tình trạng thiếu hụt Sputnik V nghiêm trọng. Nhiều trung tâm tiêm chủng buộc phải đóng cửa như tại tỉnh Perm, Yekaterinburg… Trong khi tại tỉnh Vladimir gần thủ đô Moskva, nơi có tới 70 nghìn dân xếp hàng dài chờ tiêm chủng, đã đề nghị Bộ Y tế Nga cung cấp khẩn cấp 100 nghìn liều vaccine, mà chưa được đáp ứng. Rõ ràng, trong tình hình này, nỗ lực đưa vaccine Nga thâm nhập thị trường châu Âu thậm chí còn có thể bị người dân xứ sở Bạch Dương không ủng hộ. Và câu trả lời bao giờ vaccine Nga sẽ được thừa nhận trong không gian EU vẫn là một ẩn số.