Quân đội Sudan đảo chính, giải tán chính phủ chuyển tiếp

NDO -

Quân đội Sudan đã nắm chính quyền ở nước này sau khi tiến hành một cuộc đảo chính, bắt giữ các thành viên chính phủ chuyển tiếp ngày 25/10.

Những người biểu tình tụ tập phản đối diễn biến mà Bộ Thông tin Sudan mô tả là một cuộc đảo chính quân sự ở Khartoum, Sudan, ngày 25/10/2021. (Ảnh: Reuters)
Những người biểu tình tụ tập phản đối diễn biến mà Bộ Thông tin Sudan mô tả là một cuộc đảo chính quân sự ở Khartoum, Sudan, ngày 25/10/2021. (Ảnh: Reuters)

Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu Hội đồng cầm quyền Sudan thông báo giải tán chính phủ chuyển tiếp, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, nhấn mạnh quân đội cần phải bảo vệ an toàn và an ninh của đất nước.

Ông Burhan nói: “Chúng tôi bảo đảm các lực lượng vũ trang sẽ thực thi cam kết trong việc hoàn tất quá trình chuyển đổi dân chủ, cho đến khi chúng tôi chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự được thành lập thông qua bầu cử”.

Ông Burhan cũng cho rằng, những gì đất nước Sudan đang trải qua hiện là “một mối đe dọa thực sự”.

Đụng độ đã nổ ra giữa các binh sĩ và những người phản đối việc quân đội tiếp quản chính quyền. Ít nhất đã có 12 người bị thương khi binh sĩ dùng đạn thật để trấn áp các cuộc biểu tình.

Bộ Thông tin Sudan cho biết, Thủ tướng Abdalla Hamdok đã bị bắt giữ và đưa đến một địa điểm không được tiết lộ sau khi từ chối đưa ra tuyên bố ủng hộ việc quân đội tiếp quản chính quyền.

Bộ này gọi thông báo của ông Burhan là một cuộc đảo chính quân sự và kêu gọi người dân Sudan phản đối việc quân đội "ngăn chặn quá trình chuyển đổi dân chủ".

Theo bộ này, quân đội đã bắt giữ các thành viên phe dân sự của Hội đồng cầm quyền Sudan và nội các chính phủ.

Bộ Thông tin Sudan cũng cho biết, hàng chục nghìn người ủng hộ chính phủ chuyển tiếp đã xuống đường biểu tình và bị quân đội trấn áp bằng đạn thật gần trụ sở lực lượng quân sự ở thủ đô Khartoum.

Liên hợp quốc, Liên đoàn Arab và Liên minh châu Phi (AU) đều bày tỏ quan ngại về diễn biến ở Sudan. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo chính trị của Sudan đang bị giam giữ, nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng quyền con người.

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Sudan kêu gọi cho phép chính phủ chuyển tiếp do phe dân sự lãnh đạo tiếp tục thực hiện công việc của mình.

Anh gọi cuộc đảo chính là sự “phản bội không thể chấp nhận được” đối với người dân Sudan. Pháp kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Hamdok và các nhà lãnh đạo dân sự khác. Ai Cập kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Saudi Arabia cho biết đang theo dõi các diễn biến đáng lo ngại ở Sudan.