New Zealand gia hạn phong tỏa phòng dịch tại Auckland thêm hai tuần

NDO -

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 18/10 thông báo, Auckland - thành phố lớn nhất của nước này sẽ tiếp tục được đặt dưới lệnh phong tỏa phong nghiêm ngặt thêm hai tuần nữa, nhằm kiểm soát sự lây lan mạnh của dịch Covid-19 do biến thể Delta gây ra.

Tiêm vaccine Pfizer cho các lái xe ở Auckland, New Zealand, ngày 16/10/2021. (Ảnh: Reuters)
Tiêm vaccine Pfizer cho các lái xe ở Auckland, New Zealand, ngày 16/10/2021. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Ardern nêu rõ, sẽ chưa có thêm việc nới lỏng tạm thời nào trong kế hoạch giảm thiểu ca nhiễm trong khi Auckland đang tăng cường tiêm chủng.

Bên cạnh “vũ khí” vaccine, nữ thủ tướng New Zealand cũng kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các hạn chế phòng dịch.

Bất chấp việc đóng cửa biên giới và áp dụng các lệnh hạn chế nghiêm ngặt, New Zealand hiện đang phải chống chọi với đợt bùng phát mạnh do biến thể Delta có khả năng lây lan cao gây ra, vốn đã lan rộng khắp Auckland và các khu vực lân cận.

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát, thành phố 1,7 triệu dân này đã được đặt dưới lệnh giới nghiêm bắt đầu từ giữa tháng 8.

Bà Ardern cho biết thêm, sẽ không có thay đổi nào đối với các biện pháp hạn chế xã hội đã kéo dài 62 ngày ở Auckland.

Tuy nhiên, một số quy định cũng đã được nới lỏng hồi đầu tháng này, cho phép người dân gặp gỡ người thân ngoài trời theo nhóm không quá 10 người, cũng như được phép ra bãi biển và công viên. Song trường học, các doanh nghiệp và văn phòng làm việc vẫn tạm thời chưa được mở cửa trở lại.

Số ca nhiễm của New Zealand trong đợt bùng phát hiện tại đã tăng lên 2.005 ca với 60 ca nhiễm mới trong cộng đồng ghi nhận hôm nay, bao gồm 57 ca ở Auckland và ba ca ở vùng Waikato.

Trong kế hoạch từng bước mở cửa trở lại và thúc đẩy phục hồi kinh tế, chính phủ của Thủ tướng Ardern đã quyết định chuyển từ chiến lược “không ca nhiễm”, tức nỗ lực đưa số ca nhiễm xuống càng thấp càng tốt, sang mô hình sống chung an toàn với virus.

Ở nước láng giềng Australia, nơi cũng đã chuyển sang chiến lược sống chung an toàn với virus, chính quyền TP Melbourne dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm kéo dài nhiều ngày ở thành phố thủ phủ của bang Victoria trong tuần này, khi tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 tại đây đang tăng cao.

Theo đó, vào thứ sáu tới, một số hạn chế nghiêm ngặt ở Melbourne sẽ được dỡ bỏ, sau khi thành phố 5 triệu dân này đã trải qua sáu đợt phong tỏa, kéo dài tổng cộng 262 ngày, tức gần chín tháng, kể từ tháng 3/2020.

Tỷ lệ người dân hoàn thành tiêm chủng tại bang Victoria dự kiến sẽ đạt 70% trong tuần này, cho phép giới chức địa phương nới lỏng các hạn chế. Các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và một số cơ sở kinh doanh khác sẽ được phép mở cửa trở lại khi tỷ lệ này chạm mốc 80%, dự kiến sẽ đạt được muộn nhất là vào ngày 5/11.

New Zealand gia hạn phong tỏa phòng dịch tại Auckland thêm hai tuần -0

Australia đã chuyển hướng chiến lược từ “không ca nhiễm" sang mô hình sống chung an toàn với virus. (Ảnh: Reuters) 

Hướng tới việc sống chung với virus thông qua tiêm chủng rộng rãi, các lệnh phong tỏa tại Australia được đánh giá sẽ không kéo dài thêm sau khi 80% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ. Tính đến cuối tuần trước, khoảng 68% người trưởng thành ở Australia đã tiêm đủ hai liều vaccine phòng Covid-19.

Ngoài ra, giới chức y tế Australia cũng cho biết, việc đi lại mà không bắt buộc phải cách ly cho người nhập cảnh từ Đảo Nam của New Zealand, nơi không phát sinh ổ dịch, sẽ được nối lại vào thứ tư. Australia cũng đang thảo luận với Singapore về việc cho phép đi lại giữa hai nước cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ngày 18/10, Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này ghi nhận 6.943 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh ở quốc đảo này lên 2.727.286 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 86 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 40.761 ca.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết, tỷ lệ lây nhiễm tại nước này tiếp tục giảm, nhấn mạnh tất cả các khu vực ở Philippines đã ghi nhận đỉnh dịch và hiện đều trong xu hướng giảm.

Trước đó, ngày 11/9, Philippines ghi nhận số ca mắc cao nhất từ đầu dịch, với 26.303 ca. Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 tính theo tuần ở nước này cũng đang trong chiều hướng giảm kể từ mức cao nhất ghi nhận giữa tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, bà Vergeire kêu gọi người dân vẫn cần phải nâng cao cảnh giác để không xảy ra làn sóng lây nhiễm mới.

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cho biết, tuần này sẽ bắt đầu thí điểm sử dụng chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 đối với người đến các nhà hàng, quán ăn. Động thái này nhằm chuẩn bị ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới vào mùa đông này.

Quy định mới cho phép những người xuất trình các chứng nhận trên được dùng bữa theo nhóm đông người hơn tại nhà hàng, đồng thời các nhà hàng được phép đóng cửa muộn hơn. Việc thực hiện thí điểm này nằm trong nỗ lực của chính phủ Nhật Bản vừa kiểm soát dịch vừa duy trì hoạt động kinh tế, trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ tại thủ đô Tokyo và 18 tỉnh ở nước này kể từ ngày 1/10.

Trong gần 2 tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 tại Nhật Bản đã có chiều hướng giảm sau khi liên tục ghi nhận những kỷ lục về số ca lây nhiễm vào mùa hè qua. Ngày 17/10, nước này ghi nhận 429 ca mắc mới và 13 ca tử vong vì Covid-19, trong khi số bệnh nhân nặng giảm còn 317 người. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp số ca mắc mới ở Nhật Bản dưới ngưỡng 1.000 ca/ngày.

Chính phủ Nam Sudan thông báo sẽ triển khai kế hoạch xét nghiệm đại trà và tiêm chủng bắt buộc nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Ông John Rumunu, quan chức phụ trách ứng phó dịch Covid-19 cho biết, hoạt động xét nghiệm đại trà sẽ được thực hiện thông qua các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán nhanh để đánh giá mức độ dịch bệnh trong nước.

Ông Rumunu cũng khuyến cáo người dân cần tuân thủ các hướng dẫn y tế dự phòng về Covid-19 như bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, sát khuẩn tay thường xuyên và tránh đến những địa điểm đông người.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới