Hơn 50% trẻ em trên thế giới đang bị "đánh cắp" tuổi thơ

NDO -

NDĐT - Theo báo cáo mới của Quỹ Save the Children, hơn 50% trẻ em trên toàn cầu (tương đương 1,2 tỷ người) đang đối mặt với cảnh đói nghèo, xung đột và phân biệt giới tính ngày càng lan rộng.

Nhiều em bé bị suy dinh dưỡng đang chờ đợi bên ngoài trung tâm y tế tại Ethiopia. (Ảnh: Reuters)
Nhiều em bé bị suy dinh dưỡng đang chờ đợi bên ngoài trung tâm y tế tại Ethiopia. (Ảnh: Reuters)

Được công bố trước Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, báo cáo của Quỹ Save the Children đã đánh giá ba yếu tố xung đột, đói nghèo và phân biệt giới tính đang đánh cắp tuổi thơ của trẻ em trên thế giới như thế nào. Báo cáo này cũng đưa ra “bảng xếp hạng” tuổi thơ của trẻ em tại 175 quốc gia, dựa vào các yếu tố làm thay đổi cuộc sống của các em như: chuyển chỗ ở do xung đột và bạo lực cực đoan, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới năm tuổi, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên, tỷ lệ lao động trẻ em, tỷ lệ bỏ học, suy dinh dưỡng.

Theo đó, Singapore và Slovenia là những quốc gia mà tại đây trẻ em chịu ít ảnh hưởng của ba yếu tố đói nghèo, xung đột và phân biệt giới tính nhất. Trong 10 nước nằm cuối bảng xếp hạng thì có tám nước thuộc khu vực Tây và Trung Phi, Niger tiếp tục đứng ở vị trí cuối cùng.

Chủ tịch, CEO Quỹ Save the Children Carolyn Miles cho rằng: “Phần lớn trẻ em trên thế giới đang bị đánh cắp tuổi thơ và tương lai vì các em phải sống trong cảnh đói nghèo, lớn lên tại các khu vực chiến tranh hoặc bị phân biệt đối xử khi là nữ giới”.

Một trong những số liệu đáng quan tâm mà bản báo cáo đưa ra là hơn một tỷ trẻ em đang sống tại các quốc gia bị nạn đói nghèo hoành hành, 240 triệu trẻ em đang sống tại những đất nước chịu ảnh hưởng của xung đột, hơn 575 triệu bé gái đang sống tại nơi mà sự chênh lệch giới tính vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Đặc biệt, gần 153 triệu trẻ em tại 20 quốc gia đang bị tác động bởi cả ba mối đe dọa này, trong đó phải kể đến Nam Sudan, Somalia, Yemen và Afghanistan.

Đáng quan tâm, tại các vùng có chiến sự, số lượng trẻ em thiệt mạng do suy dinh dưỡng nhiều gấp 20 lần số do bạo lực liên quan đến chiến tranh gây ra. Tỷ lệ lao động trẻ em tại các nước chịu ảnh hưởng của xung đột vũ trang cao hơn 77% so mức trung bình toàn cầu. Xung đột cũng đẩy các bé gái rơi vào tình trạng tảo hôn.

Trước thực trạng này, Save the Children kêu gọi chính phủ của các quốc gia bảo đảm rằng sẽ không còn trẻ em nào tử vong vì những nguyên nhân có thể ngăn chặn và xử lý được; không còn trẻ em nào trở thành đối tượng của bạo lực cực đoan; không còn trẻ em nào bị đánh cắp tương lai do suy dinh dưỡng, tảo hôn, mang thai sớm,… và các em sẽ được tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng.

Bà Carolyn cho rằng, chúng ta đang chứng kiến sự tiến triển tại nhiều quốc gia, song những tiến bộ này diễn ra không đủ nhanh để hỗ trợ những trẻ em dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh. Chủ tịch Quỹ Save the Children cảnh báo: “Nếu không hành động khẩn cấp, chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện được những cam kết mà tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã đưa ra ba năm trước để bảo đảm đến năm 2030, mọi trẻ em đều được đến trường, được bảo vệ, được sống mạnh khỏe. Các chính phủ có thể và phải làm nhiều hơn nữa để trao cho các em khởi đầu tốt nhất có thể trong cuộc sống của mình”.