Nhìn lại năm 2021

Hòa bình Trung Đông: Thời cơ và thách thức

“Mớ bòng bong” trong tiến trình hòa bình Trung Đông có cơ hội được gỡ rối sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) nhậm chức hồi đầu năm 2021 và chính quyền mới tại Mỹ tuyên bố đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột Israel-Palestine. Trong khi đó, các Hiệp định Abraham có hiệu lực đã mở ra một trang mới hợp tác giữa Israel với một số quốc gia Arab. Tuy nhiên, việc hóa giải những bất đồng sâu sắc giữa Israel và Palestine vẫn là “bài toán khó”.

Israel không kích vào mục tiêu của Hamas ở dải Gaza.
Israel không kích vào mục tiêu của Hamas ở dải Gaza.

Mâu thuẫn âm ỉ giữa hai bên luôn có nguy cơ bùng phát thành “chảo lửa xung đột” đe dọa nền hòa bình ở Trung Đông. 

Cơ hội phá thế bế tắc

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ J.Biden đã có hàng loạt động thái nhằm thể hiện cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược so với chính quyền tiền nhiệm đối với cuộc xung đột Israel-Palestine. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump (Đ.Trăm), Mỹ đã công bố “thỏa thuận thế kỷ” về cuộc xung đột Israel-Palestine, trong đó công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và “bật đèn xanh” cho Israel sáp nhập đất đai ở khu Bờ Tây, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine; đồng thời ngừng giải ngân khoản viện trợ cho Palestine và đóng cửa Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Washington. Chính sách của ông Trump dường như đặt dấu chấm hết cho vai trò trung gian của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông, đẩy các cuộc đàm phán Palestine-Israel vào bế tắc. 

Việc chính quyền mới ở Mỹ tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước và nối lại viện trợ cho Palestine đem lại tia hy vọng “hồi sinh” tiến trình hòa bình Trung Đông và đưa Mỹ trở lại vai trò trung tâm trong nỗ lực trung gian nhằm nối lại đàm phán Israel-Palestine. Chính quyền mới ở Mỹ đã tăng cường viện trợ nhân đạo cho Palestine, trong đó xúc tiến khôi phục khoản viện trợ trị giá 235 triệu USD. Washington dưới thời Tổng thống Biden cũng khẳng định sự kiểm soát của Israel đối với khu Bờ Tây là “sự chiếm đóng”. Tổng thống Biden cũng đã tích cực tìm kiếm giải pháp thông qua các kênh ngoại giao và liên lạc giữa Israel và Palestine. Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Israel, Palestine và cả các đối tác ở Trung Đông, trong đó có Ai Cập, nhằm thúc đẩy một phản ứng chung của khu vực để tháo ngòi xung đột. 

Khó khăn vẫn chồng chất

Tuy nhiên, cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Israel và Palestine là một trong những cuộc khủng hoảng đầy thách thức nhất đối với cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình. Trong vấn đề này, Mỹ luôn có cách tiếp cận theo hướng không làm rạn nứt quan hệ đồng minh chủ chốt với Israel. Mặc dù nối lại quan hệ với Palestine, song chính quyền mới ở Mỹ vẫn không thể đi chệch hướng trong quan hệ với Israel và làm mất lòng đồng minh. Trong cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa quân đội Israel và các tay súng Hamas ở dải Gaza của Palestine bùng nổ hồi tháng 5/2021, Mỹ vẫn tìm cách cản trở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một tuyên bố chung về vấn đề này, trong đó lên án các hành vi bạo lực của Israel. Những nỗ lực ngoại giao đã vấp phải sự cản trở của Mỹ khi chính quyền Tổng thống Biden vẫn bảo vệ quan hệ lợi ích với đồng minh. Mặc dù cam kết giúp tái thiết Gaza và tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước, song trên thực tế  Washington chưa có bước đột phá nào trong nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestine với những giải pháp có thể giải quyết được các nguyên nhân cơ bản và gốc rễ của cuộc xung đột.

Trong khi đó, ngọn lửa hận thù âm ỉ giữa người Israel và Palestine đã châm ngòi cho các cuộc xung đột giữa hai bên. Cuộc đụng độ hồi tháng 5 đã trở thành cuộc xung đột ác liệt nhất giữa Israel và Hamas kể từ cuộc chiến năm 2014. Bất cứ động thái thiếu kiềm chế từ hai phía cũng có thể kích hoạt “thùng thuốc súng” ở Trung Đông, trong khi các vấn đề gai góc nhất liên quan các khu định cư Do thái xây dựng trên vùng đất chiếm đóng của người Palestine và bất đồng giữa hai bên chưa thể giải quyết là những trở ngại lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, khiến cho các cuộc đàm phán chưa thể nối lại sau nhiều năm đình trệ. 

Hợp tác và rào cản

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Israel với Palestine nói riêng và các nước Arab nói chung còn nhiều bất đồng thì việc Israel chính thức thực thi các bước bình thường hóa quan hệ với các nước Arab sau khi các Hiệp định Abraham được ký đã mở ra hướng đi mới nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Các Hiệp định Abraham giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, và tiếp đó là các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Sudan và Maroc với Nhà nước Do thái đã giúp phá vỡ thế bế tắc ngoại giao kéo dài nhiều năm giữa hai bên, mở cánh cửa hợp tác mới. Sau khi Israel và UAE mở đại sứ quán và triển khai một loạt cuộc thăm cấp cao lẫn nhau, hợp tác kinh tế và công nghệ giữa hai nước đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Hai bên đã ký các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD và mở đường bay trực tiếp giữa hai nước giúp kích cầu du lịch. Các thỏa thuận giữa Israel với các quốc gia Arab về bình thường hóa quan hệ cũng được xúc tiến, tạo thuận lợi cho giao lưu, hợp tác giữa hai bên.

Các Hiệp định Abraham đem lại nhiều lợi ích cho các bên, song việc thỏa thuận này bỏ qua vấn đề nền tảng là “hòa bình cho Palestine và giải pháp hai nhà nước” đã chạm vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất ở khu vực. Các hiệp định này đi ngược lại tinh thần của Sáng kiến hòa bình của Liên đoàn Arab năm 2002, theo đó phải giải quyết ổn thỏa các tranh chấp giữa Israel và Palestine trước khi có một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do thái với các nước Arab. Sáng kiến hòa bình Arab quy định các nước Arab chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi nước này chấm dứt chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Arab và Palestine, cũng như phải bảo đảm hòa bình cho Palestine. Vậy mà, thông qua các Hiệp định Abraham, Israel đã chứng tỏ không cần đàm phán với người Palestine mà vẫn có thể cải thiện quan hệ với các nước Arab trong khu vực. Đây là vấn đề gây chia rẽ trong khối Arab. Chính quyền Palestine phản đối việc một số nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel và lo ngại động thái này phá hủy các nỗ lực “hồi sinh” tiến trình hòa bình Trung Đông. Dù các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mà Israel ký với các nước Arab chủ yếu dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi và không liên quan trực tiếp tới vấn đề Palestine, song phản ứng mạnh mẽ từ Palestine đã khiến các nước Arab đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel chịu không ít sức ép từ dư luận tại các nước Arab vốn phản đối các động thái thúc đẩy quan hệ với Israel, gây ảnh hưởng tới sự đoàn kết của khối ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của người Palestine, một nhân tố quan trọng thiết lập nền hòa bình lâu dài ở khu vực. 

Với sự đan xen giữa hai xu thế hợp tác và đấu tranh, tình hình Trung Đông tiếp tục chứng kiến những bước thăng trầm trong tìm kiếm các giải pháp chấm dứt xung đột, mở cánh cửa hợp tác vì sự phát triển của khu vực. Thời cơ để kích hoạt các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine đã được mở ra, song vẫn còn nhiều thách thức trên con đường hòa bình. Một nền hòa bình bền vững ở Trung Đông chỉ có thể được thiết lập khi có một giải pháp công bằng và toàn diện dựa trên giải pháp hai nhà nước, trong đó thành lập Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem, cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel, với các đường biên giới được quốc tế công nhận trên cơ sở đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và thỏa thuận đàm phán, phù hợp luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.