Dư luận quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bài viết hàm chứa những hiểu biết sâu về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bài viết có tính học thuật cao, hoàn chỉnh và sâu sắc, hàm chứa những hiểu biết sâu về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, đồng thời đề cao vai trò thật sự của nhà nước trong việc bảo đảm công bằng xã hội, điều vốn là nhu cầu của thời đại ngày nay. Ðây là lời khẳng định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Faisal Ahmed (Phai-xan A-mét) của Khoa Kinh tế quốc tế Trường Quản trị FORE ở New Delhi (Ấn Ðộ).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Faisal Ahmed. (Ảnh: TTXVN)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Faisal Ahmed. (Ảnh: TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Faisal Ahmed nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra lộ trình tương lai lấy con người làm trung tâm cho Việt Nam. Lộ trình đó đáng để cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển, nhân rộng. Chuyên gia Ấn Ðộ cũng đặc biệt chú ý tới phần nghiên cứu trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tiền đề cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mang lại công bằng xã hội. Theo ông Faisal Ahmed, bài viết đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bao gồm nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Ðây là một mô hình kinh tế rất phù hợp nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong thương mại và đầu tư.

Ðánh giá cao những thành quả Việt Nam đạt được trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Faisal Ahmed cho rằng, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể sau khi thực hiện công cuộc đổi mới, góp phần nâng cao vị thế thương mại quốc tế của Việt Nam, tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu và giúp Việt Nam cải thiện vai trò trong quản trị kinh tế thế giới. Năng lực sản xuất nội địa được nâng cao trong những năm qua đã giúp Việt Nam thu lợi từ xuất khẩu. Ngày nay, chính nhờ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển nhanh ở Ðông Nam Á và tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu.