Ở thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại châu Á, khu vực này được truyền thông quốc tế đánh giá cao vì đã có những động thái nhanh chóng, quyết liệt, chủ động đối phó và ngăn ngừa dịch bệnh. Một loạt biện pháp nhằm kiềm chế dịch lây lan đã được các nước kịp thời áp dụng, như tiến hành xét nghiệm rộng rãi, truy tìm người nghi nhiễm vi-rút và cách ly, thực hiện các biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội... Tuy nhiên, đến giai đoạn cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân, nhiều nước châu Á lại bộc lộ sự lúng túng, bị động. Trong khi Mỹ, Anh, I-xra-en, Liên hiệp châu Âu (EU)… triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 từ cuối năm 2020 thì chiến dịch tiêm chủng tại châu Á - Thái Bình Dương lại chậm được khởi động. Phần lớn các nước châu Á bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 2-2021. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn được coi là “điểm sáng” trong nỗ lực ngăn ngừa dịch lây lan, thì nay lại “tụt hậu” trong chiến dịch tiêm vắc-xin, bởi nhiều nguyên nhân, như thiếu hụt nguồn cung, thách thức hậu cần, tâm lý hoài nghi vắc-xin…
Thiếu hụt nguồn cung là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thụt lùi trong triển khai tiêm vắc-xin tại châu Á. Mới đây, Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 do Viện Serum của nước này sản xuất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX. Theo kế hoạch, Viện Serum phải giao tổng cộng 90 triệu liều vắc-xin cho COVAX trong tháng 3 và tháng 4-2021, nhưng Ấn Độ đã tạm dừng các hoạt động xuất khẩu để ưu tiên nhu cầu trong nước. Trước tình hình này, một số nước châu Á tức tốc tìm kiếm nguồn cung vắc-xin thay thế. Tổng thống Phi-li-pin R.Đu-téc-tê quyết định nới lỏng các hạn chế của chính phủ để cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu vắc-xin, với bối cảnh đất nước đang nỗ lực tìm cách kiềm chế dịch. Trong khi đó, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã đặt mua vắc-xin ngừa Covid-19 từ bốn quốc gia, là Trung Quốc, Anh, Mỹ và Đức để bảo đảm nguồn cung.
Vấn đề hậu cần trong phân phối vắc-xin là một bài toán hóc búa khác đối với các nước châu Á. Một số loại vắc-xin ngừa Covid-19 phổ biến hiện nay cần được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đặc trưng tại Đông - Nam Á khiến một số nước tại đây gặp nhiều khó khăn về bảo quản lạnh vắc-xin trong thời gian vận chuyển tới các cơ sở y tế. Vấn đề vận chuyển vắc-xin đối với những quốc gia có nhiều đảo lớn, nhỏ như In-đô-nê-xi-a hay Phi-li-pin lại càng nan giải hơn nữa, bởi có không ít người dân sinh sống tại những hòn đảo xa xôi, hẻo lánh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 50% số lượng vắc-xin bị lãng phí trên quy mô toàn cầu bởi hạ tầng vận tải, công nghệ bảo quản của các nước không đạt chuẩn.
Tâm lý hoài nghi, thái độ do dự đối với vắc-xin cũng ảnh hưởng tới tốc độ tiêm chủng. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, các nhà chức trách tiếp cận việc tiêm chủng rất thận trọng, do dành thời gian theo dõi các tác dụng phụ tiềm ẩn. Bên cạnh đó, vắc-xin cũng phải thỏa mãn các quy định nghiêm ngặt ở trong nước mặc dù đã được chứng minh là an toàn trên thế giới. Trong khi giới chức có những hành động thận trọng, thì người dân một số nước châu Á cũng có tâm lý hoài nghi, e ngại đối với vắc-xin. Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt vắc-xin do Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ sản xuất, tuy nhiên, nhiều người dân, trong đó có cả nhân viên y tế, vẫn do dự tiêm phòng bởi lo ngại về độ an toàn của sản phẩm. Trước tình hình này, giới chức “xứ sở mặt trời mọc” đang thúc đẩy một chiến dịch truyền thông lớn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vắc-xin, theo đó cung cấp các thông tin tiêm phòng một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dựa trên bằng chứng khoa học rõ ràng.
Cơn bão Covid-19 vẫn tiếp tục làm chao đảo châu Á, khi nhiều quốc gia Đông - Nam Á như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin… ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Bởi vậy, việc đẩy nhanh tiêm chủng là điều vô cùng cần thiết để sớm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Việc các nước châu Á tham gia COVAX, cơ chế đại diện cho sự hợp tác toàn cầu chống lại chủ nghĩa dân tộc vắc-xin và bảo đảm tiếp cận công bằng vắc-xin, được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 trên khắp châu Á, củng cố tính gắn kết trong đối phó đại dịch trên quy mô toàn cầu.