Tổng kết việc thí điểm tự chủ trong giáo dục đại học công lập

Ngày 20-10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP (Nghị quyết 77) năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau ba năm triển khai, đến nay có 23 trường đại học công lập được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77. Các trường thí điểm tự chủ đã có cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý hơn, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng. Về tài chính, tổng thu giai đoạn tự chủ của các trường so với giai đoạn trước tự chủ tăng 16,6%; nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động thường xuyên và không thường xuyên giảm 16,51%, nhưng nguồn cho xây dựng cơ bản tăng 85,1%. Cơ cấu chi của các trường thí điểm tự chủ có thay đổi, trong đó tăng khoảng 40% chi học bổng cho sinh viên... Tuy nhiên, việc thí điểm tự chủ cũng còn những vướng mắc như thiếu các quy định cụ thể, chưa xác định tự chủ gắn liền với tự chịu trách nhiệm; các trường đại học không nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước; nhiều trường chưa thành lập được hội đồng trường theo quy định…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc tự chủ trong giáo dục đại học cần triển khai trên nhiều vấn đề như cơ cấu bộ máy nhân sự, đào tạo, tài chính… Mục đích cuối cùng của tự chủ trong giáo dục đại học là nâng cao chất lượng, cho nên tự chủ không phải là cắt ngân sách nhà nước một cách giản đơn, mà là tạo điều kiện để sử dụng ngân sách hiệu quả; bảo đảm công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học đối với mọi người. Vì vậy, Phó Thủ tướng lưu ý các vấn đề trong tự chủ đại học. Đó là cần xóa bỏ những can thiệp hành chính không cần thiết và đổi mới tư duy lãnh đạo của các trường đại học, nhất là các hiệu trưởng. Mọi hoạt động trong trường đại học phải bảo đảm dân chủ tối đa, các trường cần có bộ quy tắc hoạt động, ứng xử chi tiết về mọi mặt trên cơ sở được bàn bạc công khai trước mọi cán bộ, giảng viên. Xây dựng cơ chế và các quy định phù hợp về học bổng nhằm tăng cơ hội bình đẳng trong học tập của mọi người. Ngoài ra, các trường cần khẳng định nâng cao chất lượng và tự chủ đi đôi với chịu trách nhiệm và giải trình xã hội. Phó Thủ tướng khẳng định: Các trường không tự chủ sẽ khó trở thành cơ sở đào tạo mạnh, khó có được nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước…