Mở đầu buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, quận, huyện là cấp chính quyền địa phương trực tiếp giải quyết kiến nghị của cử tri, tuy nhiên UBND, HĐND thành phố là cấp đưa ra các quyết sách cuối cùng nhằm điều chỉnh, giải quyết những đề đạt, vướng mắc mà cử tri đặt ra. Do vậy, cử tri thẳng thắn trao đổi, chia sẻ, đề đạt những khó khăn, vướng mắc, bất cập về các chính sách, quyết sách để các đại biểu Quốc hội, các cấp chính quyền thành phố nắm bắt, lắng nghe, xem xét và điều chỉnh cho phù hợp. “Quốc hội cũng xác định ưu tiên, lắng nghe ý kiến của cử tri, giải quyết tận cùng những kiến nghị cử tri nêu ra”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Nhớn ở ấp 8, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi chia sẻ: Cử tri huyện Hóc Môn phấn khởi trước kết quả phòng, chống dịch bệnh của huyện nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung thời gian qua. Hiện nay ca nhiễm đã giảm nhiều, cuộc sống cũng chuyển qua trạng thái bình thường mới. Song tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, cử tri kiến nghị các cấp lãnh đạo Trung ương và thành phố tiếp tục có các gói an sinh hỗ trợ người khó khăn, người nghèo, người yếu thế, tạo điều kiện về cơ chế để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Cử tri Phan Thị Tuyết Anh, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn nhận định: Việc Nhà nước, Chính phủ quan tâm tiêm vaccine cho người dân thể hiện lòng yêu nước thương dân. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực xúc tiến ngoại giao vaccine, qua đó tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân cả nước và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chiếm tỷ lệ cao. Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất nên người dân mong mỏi Nhà nước sớm xúc tiến tiêm vaccine mũi 3 cho người dân để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Cử tri đề xuất đối với người yếu thế, lực lượng tuyến đầu thì Nhà nước lo tiêm chủng, với người dân nào có điều kiện có thể tự tiêm dịch vụ, nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế của Nhà nước.
Liên quan đến tồn tại của hệ thống y tế xã, phường, ông Nguyễn Tấn Dũng, cử tri xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn nêu vấn đề: Đội ngũ y tế xã, phường đang thực hiện 19 nhiệm vụ, công việc theo chương trình quốc gia, khi xảy ra dịch bệnh có thêm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Như vậy, công việc rất nặng nề nhưng nhân sự không đáp ứng, có nơi trạm y tế không có y bác sĩ thì làm sao bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ông Dũng thẳng thắn đề nghị Giám đốc Sở Y tế thành phố phải chủ động vào cuộc sớm giải quyết bất cập này trong khi chờ cơ chế, chủ trương của Chính phủ bởi Đảng, Nhà nước đã xác định nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cần có tiếng nói với Quốc hội xem xét các cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết những hạn chế ở hệ thống y tế xã, phường.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước nhấn mạnh trước và trong đại dịch, đặc biệt trước kỳ họp Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều buổi tiếp xúc cử tri, đặc biệt là các buổi tiếp xúc chuyên đề với một tinh thần làm việc nghiêm túc, lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của cử tri, qua đó đánh giá thấu đáo những khó khăn của chính quyền và của cử tri bởi thành phố Hồ Chí Minh là nơi hứng chịu rõ nhất và lớn nhất tác động của đại dịch. Chủ tịch nước đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thành phố, cả hệ thống chính trị cùng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân để sớm vượt qua khó khăn, mất mát lớn lao trong thời gian dài diễn ra dịch bệnh.
Từ kết quả đạt được, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cũng như 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn tiếp tục chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế ca bệnh nặng, đặc biệt là hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong. Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố và 2 huyện rà soát và đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Tích cực tuyên truyền, cảnh báo về tác hại của dịch bệnh, chủ động phòng ngừa trong giai đoạn bình thưởng mới, tiếp tục nhân lên những mô hình, cách làm phòng, chống dịch khoa học và hiệu quả.
Trên tinh thần khó khăn gấp đôi thì chính quyền phải nỗ lực gấp ba, do đó Chủ tịch nước yêu cầu thành phố chú ý khôi phục lại lưu thông hàng hóa, lưu thông đi lại, thương mại dịch vụ, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề an sinh xã hội phải được chú trọng, ưu tiên hàng đầu, sớm tổ chức cho học sinh quay trở lại nhà trường. Thành phố Hồ Chí Minh cần chuẩn bị tâm thế chủ động ứng phó nếu đợt dịch thứ 5 xảy ra, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Muốn vậy, chính quyền Thành phố phải nhanh nhạy hơn, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, sớm triển khai chương trình tái cấu trúc nền kinh tế đã được phê duyệt. Chủ động trong sản xuất và chuẩn bị dự trữ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Làm tốt hơn nữa hỗ trợ cung cầu lao động, sớm triển khai xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức tiêm vaccine cho người lao động từ các địa phương quay trở lại thành phố…