Từ hồi ức của các cựu chiến binh, những người từng trực tiếp cầm súng trong những ngày bão táp ấy, như Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Sơn, Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ, Thiếu tướng Phạm Văn Kha..., chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện sống động về những trận đánh lớn trên chiến trường Tây Nguyên trong những ngày Xuân Mậu Thân lịch sử. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của người dân đang sống trong vùng địch tạm chiếm. Sau Mậu Thân, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào cách mạng, nhiều thanh niên đô thị thoát ly lên chiến khu... Trong hội thảo (ngày 19-1) vừa qua do Tỉnh ủy Đác Lắc phối hợp Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức và một số cuộc hội thảo, tọa đàm khác đã làm rõ thêm nhiều tư liệu lịch sử quan trọng từ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 50 năm trước.
Cuối tháng 12-1967, Tây Nguyên được phổ biến chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Quán triệt chủ trương, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên thống nhất quyết tâm: Động viên toàn thể lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc nỗ lực vượt bậc, tiến công liên tục, toàn diện và triệt để vào quân địch, thực hiện bằng được quyết tâm chiến lược của Đảng, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường, sẵn sàng ứng phó một cách chủ động nếu chiến tranh kéo dài. Để thống nhất chỉ đạo, phối hợp giữa hai lực lượng và ba thứ quân trên chiến trường, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận mở hội nghị liên tịch với các đồng chí bí thư tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên bàn cách phối hợp giữa bộ đội chủ lực và địa phương, giữa tiến công và nổi dậy. Tại bắc Tây Nguyên, mục tiêu chính được xác định là: Buôn Ma Thuột, Plây Cu, Kon Tum. Tại nam Tây Nguyên, Khu ủy Khu VI chọn Đà Lạt làm trọng điểm thứ hai (Phan Thiết là trọng điểm thứ nhất) và điều Tiểu đoàn 145 và Tiểu đoàn 186 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở cuộc tiến công vào Đà Lạt. Kế hoạch tiến công được triển khai theo ba hướng vào ba mục tiêu: hướng tây nam tiến công vào tiểu khu Tuyên Đức; hướng tây bắc đánh chiếm Tỉnh đoàn Bảo An, dinh Tỉnh trưởng, Ty Công an; hướng đông nam là Trường Võ bị quốc gia…
Cả chiến trường Tây Nguyên thực hiện nhiệm vụ với nhịp độ khẩn trương chưa từng có. Bộ Tư lệnh Mặt trận nhanh chóng triển khai, điều động lực lượng trên các hướng, thành lập thêm một số đơn vị để bảo đảm yêu cầu chiến đấu, bổ sung cho mỗi thị xã đủ một tiểu đoàn đặc công, một đại đội hỏa lực hỗn hợp, tăng cường cho Buôn Ma Thuột hai tiểu đoàn bộ binh, Plây Cu một tiểu đoàn, Tân Cảnh một tiểu đoàn, củng cố và mở rộng các tuyến hành lang Đông Tây, đồng thời mở thêm binh trạm 4 ở Đác Lắc. Ngoài lực lượng bộ đội địa phương và các phân đội mũi nhọn của mặt trận tăng cường, lúc này Kon Tum có Trung đoàn 24, Gia Lai có Trung đoàn 95, Đác Lắc có Trung đoàn 33; Sư đoàn 1 (gồm các Trung đoàn 66, 174, 320) lực lượng cơ động của mặt trận được tập trung trên hướng đường 18 để đón lõng quân Mỹ phản kích, sẵn sàng chuyển sang đánh Đak Tô - Tân Cảnh.
Theo tài liệu ghi lại hồi ức của cố Đại tá Đinh Sỹ Uẩn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng, cuộc tiến công vào Đà Lạt dù đã chuẩn bị kế hoạch trước nhưng không đạt theo ý đồ ban đầu. Đêm 30-1-1968, do công tác chuẩn bị địa hình chưa chu đáo nên cả ba hướng vạch ra, quân ta đều không vào được, phải rút ra ngoài để củng cố lực lượng. Đêm 31-1, tuy chậm hơn một ngày so với kế hoạch chung của toàn miền và địch đã tăng cường phòng thủ nhưng các đơn vị vẫn tiếp tục vào sâu bên trong và đồng loạt nổ súng. Trên hướng tiến công chủ yếu, các đơn vị đánh chiếm và làm chủ Viện Pasteur, chín sở, ty, một phần tiểu khu Tuyên Đức. Ở hướng tây bắc, ta đánh vào Tỉnh đoàn Bảo An, Lữ quán Thanh Niên, Ty Công an nhưng không dứt điểm. Trước sự phản kích ác liệt của địch, lực lượng ta phải rút ra khu vực Đa Cát, trụ lại đánh địch suốt 11 ngày đêm, hỗ trợ nhân dân các ấp vùng ven nổi dậy, thành lập chính quyền cách mạng. Trên hướng đông nam, các đơn vị đánh địch ở Trại Hầm, ga xe lửa, Nha Địa dư và làm chủ khu vực trường Yersin, bám trụ suốt hai ngày đêm, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, sau đó rút ra rừng để củng cố lực lượng.
Đại tá Nguyễn Quang Ý (nguyên Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 186), nhớ lại: Trong trận đánh quyết liệt diễn ra tại tiểu khu Tuyên Đức, ở khu vực Đa Cát, đồi đất đỏ Đa Thành, tiểu đoàn thương vong khá nhiều nhưng tinh thần chiến đấu rất kiên cường. Qua hai đợt cao điểm Mậu Thân, lực lượng vũ trang Lâm Đồng đã đánh 180 trận, bắn rơi và phá hủy 14 máy bay, bắn cháy 100 xe quân sự và loại khỏi vòng chiến đấu 2.200 tên địch. Hơn 200 thanh niên Tuyên Đức, Lâm Đồng đã thoát ly tham gia cách mạng, sáu ấp giành chính quyền...
Ở chiến trường phía bắc Tây Nguyên, chiều 29-1, hàng trăm cán bộ và đội viên biệt động của ba tỉnh đã ém sẵn trong các thị xã, bí mật tổ chức quần chúng sẵn sàng nổi dậy phối hợp với đòn tiến công của bộ đội. Kế hoạch huy động quần chúng kéo vào thị xã đấu tranh chính trị cũng được gấp rút tiến hành ở nhiều nơi. Cũng trong ngày 29-1, Tỉnh ủy Gia Lai huy động hàng nghìn quần chúng vào thị xã Plây Cu sắm hàng Tết rồi ở lại sẵn sàng chờ lệnh hành động. Đúng 0 giờ 55 phút, các đơn vị đồng loạt tiến công mục tiêu chủ yếu của địch trong và ngoài thị xã Plây Cu. Đại đội 10 đặc công chia làm hai mũi, một mũi đánh vào khu biệt động quân, diệt gọn ban chỉ huy và 200 tên, phá hủy, bắn cháy 35 xe quân sự, phá hủy hoàn toàn một trận địa pháo 21 khẩu, đốt cháy gần 1.000 tấn đạn và hàng vạn lít xăng dầu. Một mũi đánh vào trung tâm thị xã, diệt bọn cảnh sát, bảo an, phá nhà lao, giải phóng 2.000 người bị địch giam giữ. Đội 21 Đặc công của Mặt trận đánh chiếm khu Tỉnh đoàn Bảo An, Tòa Hành chính, Khu Cảnh sát vùng 2, phối hợp với các đội vũ trang Plây Cu diệt hai đại đội bảo an, phá hủy 10 xe M113, bắn rơi hai máy bay trực thăng. Các đại đội 60, 70, 80 (Tiểu đoàn 408 Đặc công) đánh vào sân bay Arêa, cơ quan Quân đoàn 2 ngụy, phá hủy 45 máy bay lên thẳng, 37 xe quân sự. Pháo binh ta bắn dồn dập vào sân bay và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy, phá hủy khu ra-đa và 15 máy bay, đánh sập nhiều nhà tầng. Trung đoàn 95 chặn diệt đoàn xe 26 chiếc trên đường 19, không cho địch cứu viện Plây Cu. Tiểu đoàn 15 (Tỉnh đội Gia Lai) đánh chiếm khu vực Thần Phong, Trà Bá II, tiến vào phối hợp với đặc công đánh địch ở căn cứ Trung đoàn Thiết giáp ngụy ở ngã ba Phù Đổng rồi tiến đánh khu vực Hội Phú…
Liên tiếp các ngày sau, địch phản công mãnh liệt, các chiến sĩ ta được nhân dân giúp đỡ đã dựa vào từng căn nhà, góc phố chiến đấu. Quân ta tiếp tục bám trụ, vừa đánh các căn cứ, sân bay, kho tàng, vừa chặn đánh giao thông và bộ binh địch ra giải tỏa, gây cho địch thiệt hại nặng nề. Phối hợp với đòn tiến công quân sự, Tỉnh ủy Gia Lai đã huy động gần 11.000 quần chúng xuống đường đấu tranh chính trị. Chính quyền một số ấp, xã ở các huyện được thành lập; hơn 14.000 đồng bào từ các ấp chiến lược trở về làng cũ; 11 làng chung quanh thị xã Plây Cu được giải phóng…
Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân vào thị xã Buôn Ma Thuột bắt đầu vào lúc 0 giờ 45 phút ngày 30-1-1968. Chỉ tính riêng trong đợt 1, quân và dân tỉnh Đác Lắc loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch, bắt sống 85 tên, bắn cháy 13 xe M113, phá hủy 19 máy bay, 150 xe quân sự, 12 kho xăng, dầu, bom đạn, thu nhiều vũ khí đạn dược của địch. Ta đã đánh chiếm và làm chủ một số vị trí quan trọng của địch trong thị xã từ ba đến năm ngày. Ở nông thôn, ta đánh phá ấp chiến lược, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ…
Trong những ngày lực lượng vũ trang tiến công địch, các cơ sở bên trong vùng tạm chiếm các tỉnh Tây Nguyên đã vận động nhân dân ở nhiều địa phương nổi dậy phá bộ máy kìm kẹp của địch. Đồng bào dũng cảm vượt qua bom đạn để tiếp tế cho bộ đội, tải thương, nắm tình hình địch để báo cáo cho các đơn vị có kế hoạch đối phó. Tinh thần cách mạng được phát huy cao độ, nhiều quần chúng được kết nạp Đảng ngay tại địa bàn hoạt động. Bà Hà Thị Bổng, một cơ sở cách mạng tại ấp Xuân Trường (Đà Lạt), có con gái là Lương Thị Ngọc Sương, một nữ du kích đã anh dũng hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân, hồi tưởng: “Lực lượng ta chiến đấu vô cùng dũng cảm, thương vong nhiều, nhưng vẫn kiên cường bám trụ cùng đồng bào. Nhiều đồng chí bị thương không kịp rút ra, cơ sở nuôi giấu và cứu chữa trong khi địch lục soát gắt gao. Dịp này, nhiều thanh niên đã lên rừng tham gia bộ đội”. Riêng tại Lâm Đồng, sau Mậu Thân, ta đã xây dựng được thêm 150 cơ sở chính trị, 20 đội công tác, 129 du kích mật. Tại thị xã Buôn Ma Thuột, trong lúc chiến sự diễn ra quyết liệt, ở một số đường phố trong thị xã, quần chúng đã xuống đường chiếm các trụ sở ở thôn, ấp, xé cờ, khẩu hiệu của địch, treo cờ cách mạng, rải truyền đơn, lùng bắt bọn ác ôn, kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Ở nông thôn, quần chúng các huyện Buôn Hồ, Bắc Buôn Ma Thuột, Lắk... gồm hơn 18.000 người với khí thế khởi nghĩa đã kéo về thị xã...
Theo tài liệu tại các hội thảo, trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Tây Nguyên đã đồng loạt đánh vào hầu hết cơ quan đầu não và căn cứ quan trọng của địch ở khắp các tỉnh, làm chủ một số địa bàn quan trọng trong nhiều ngày, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn lực lượng địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy. Chiến thắng đó đã tạo ra cục diện mới của phong trào cách mạng ở Tây Nguyên, đẩy địch lún sâu vào thế bị động; góp phần quan trọng đưa cách mạng miền nam bước sang giai đoạn mới.