Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quy trình thẩm tra dự án luật

NDO -

Tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV sáng 17/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, thẩm tra, góp ý xây dựng dự thảo luật và tham gia các nội dung thảo luận đạt chất lượng, hiệu quả, trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

Thi đua, khen thưởng là động lực của phát triển

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng là phiên họp thường kỳ đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV. Trước đó, phiên họp thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho một số ý kiến về công tác nhân sự.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định liên quan 5 nhóm nhiệm vụ cơ bản.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 7/2021)...

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quy trình thẩm tra dự án luật -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Những nội dung của dự thảo luật đưa ra thảo luận được đông đảo cử tri và dư luận quan tâm, đó là việc sửa luật lần này phải khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan, hình thức, khen thưởng “nhầm” đối tượng.  

Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI, ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004. Luật này đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013, là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

Sau 17 năm thực hiện, công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua khen thưởng đã bộc lộ một số bất cập.

Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Xã hội, trong những tồn tại, hạn chế, có việc tổ chức chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, “tổ chức bình xét chưa bám sát các tiêu chí đã đề ra, không bảo đảm tính khách quan và chính xác, dẫn đến một số doanh nghiệp, doanh nhân được tôn vinh, biểu dương, nhưng thành tích chưa tiêu biểu xuất sắc”.

Ở một số địa phương có tình trạng yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng nộp kinh phí để được giải thưởng, gây ảnh hưởng quan hệ với bạn bè quốc tế, gây bức xúc cho chính các doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải. Công tác thi đua, khen thưởng có nơi chưa thực hiện nghiêm túc dẫn đến khen thưởng “nhầm” đối tượng, gây bức xúc dư luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, sau khi sửa đổi luật, phải khắc phục được tình trạng hình thức, trùng lặp, tràn lan trong thi đua, khen thưởng thời gian qua, phải “tạo ra sự chuyển biến thực sự trong công tác này để thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực của sự phát triển”.

Tại cuộc làm việc với Thường trực các ủy ban mới đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ủy ban cần nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra, thẩm tra, góp ý cùng xây dựng dự thảo luật có chất lượng, thực chất để trình ra Quốc hội.

Sau khi tổng hợp các ý kiến phát biểu trong xem xét, đánh giá bước đầu một số dự án luật, đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Ủy ban Xã hội cần bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng để bổ sung các quy định cho dự án luật.

Khẳng định công tác thi đua, khen thưởng “mà đúng và và trúng sẽ tạo ra động lực rất lớn cho mỗi cá nhân, tập thể, góp phần lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Xã hội xem xét việc cần thiết để điều chỉnh công tác khen thưởng của khối các hiệp hội, ngành nghề, tránh xảy ra tiêu cực.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần coi trọng khen thưởng của Nhà nước đối với lực lượng trực tiếp sản xuất và đội ngũ doanh nhân; bảo đảm khen thưởng kịp thời chứ không phải mang tính tích lũy thành tích; làm rõ tiêu chí của thi đua, khen thưởng để làm cơ sở cho chính sách chi lương mới; khắc phục tình trạng chạy danh hiệu thi đua...

Nhiều nội dung quan trọng trong 2 ngày

Theo dự kiến, phiên họp diễn ra trong 2 ngày, 17 và 18/8.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dịp này tổng kết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định theo thẩm quyền về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022; xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc phân định miền núi, vùng cao; việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện  pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Các đại biểu cũng thảo luận chung quanh dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; việc thành lập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân; việc bãi bỏ nghị quyết, một số điều của các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản đối với nội dung xem xét, quyết định việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; việc kiện toàn nhân sự Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Nhấn mạnh các nội dung của phiên họp lần này để chuẩn bị một bước cho Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, triển khai chương trình hành động của Đảng đoàn, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu, thảo luận vào một số nội dụng cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm về chất lượng hoạt động của mình theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phát huy những kết quả đạt được từ khóa XIV, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ các nội dung trình trên tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, quy trách nhiệm cá nhân trong quá trình thẩm tra, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.