ND - Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ bắt đầu mở màn cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền bắc nước ta bằng không quân và hải quân với chiến dịch "Mũi tên xuyên". Mỹ dùng 64 lượt chiếc máy bay đánh phá nhiều mục tiêu nằm ở ven biển từ Quảng Ninh tới vĩ tuyến 17 như Bãi Cháy, thành phố Vinh, phà Bến Thủy, Lạch Trường.
Trước tình hình đó, Trung đoàn Không quân 921 được lệnh chuyển sân trên không từ sân bay Mông Tự (Vân Nam - Trung Quốc) về sân bay Nội Bài để tham gia chiến đấu bảo vệ miền bắc. Chúng tôi vô cùng sung sướng vì trải qua tám năm học tập gian khổ, rét lạnh, xa đất nước, đơn vị và gia đình, da diết nỗi nhớ đồng đội, nhớ từ cọng rau muống chấm tương tới tiếng ru hời của người mẹ nựng đứa con sau những lũy tre làng... Những đứa con xa Tổ quốc nay được trở về với cả một đội hình máy bay chiến đấu hùng mạnh đầu tiên, lòng chúng tôi ai ai cũng xúc động. Ðây rồi, điểm kiểm tra là Lào Cai - sông Hồng uốn khúc, một cây cầu bắc ngang và một dải núi non hiểm trở của vùng Tây Bắc. Ðiểm nhận biết đầu tiên là: bầu trời Việt Nam đầy mây, tầng thấp, tầng cao trùng trùng hùng vĩ. Ðúng là bầu trời đang báo hiệu đất nước có chiến tranh. Không giống như những ngày bay trên đất nước bạn, trời luôn trong xanh, ít mây, bình lặng. Tuy nhiên, xúc động nhất vẫn là lần lượt các biên đội thông trường từ tây sang đông của sân bay Nội Bài - sân bay chiến đấu đầu tiên của Tổ quốc với lá cờ đỏ Sao vàng tung bay phấp phới trên đài chỉ huy và một rừng người và hoa đón chào.
Khi chúng tôi vừa đặt chân xuống sân bay, các đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng; Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lần lượt ôm hôn thắm thiết, chúc mừng Trung đoàn trưởng Ðào Ðình Luyện và giao ngay nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Ngay trong ngày đó, tôi (số 1) và đồng chí Nguyễn Nhật Chiêu được phân công vào trực ban chiến đấu cùng với biên đội Phạm Ngọc Lan và đồng chí Lâm Văn Lích, nai nịt gọn gàng, quần áo kháng áp, lúc nào cũng sẵn sàng có pháo hiệu là cất cánh.
Trở về chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tất cả đội ngũ phi công ai ai cũng mong được xuất kích và lập công. Những ngày thời tiết quá xấu không cất cánh được càng làm cho chúng tôi nóng lòng chờ đợi. Bạn huấn luyện cho ta chỉ có bay giản đơn trong điều kiện trời trong, mây tạnh; về Việt Nam hầu như lúc nào cũng đầy mây, lại mây mù, mây thấp, sấm chớp liên tục, ai cũng nóng ruột, chẳng lẽ bó tay? Do đó yêu cầu huấn luyện biên đội bay giỏi xuyên mây trong điều kiện phức tạp là nhiệm vụ hết sức cấp thiết có tính đột phá.
Sáng ngày 9-11-1964, một ngày mùa thu. Hà Nội, buổi sáng nắng thu vàng dìu dịu trải dài trên cánh các con én bạc xếp hàng ngay ngắn, nghiêm trang một cách lạ thường. Ðột nhiên, dưới cánh máy bay trực chiến - biên đội chúng tôi gồm các phi công: Hanh, Giấy, Huân, Năm đang sôi nổi bàn phương án hiệp đồng chiến đấu thì một đồng chí cán bộ chính trị đến nói nhỏ, vẻ bí mật: "Bác Hồ đến thăm đơn vị!". Ôi! Hạnh phúc và bất ngờ quá! Niềm mong chờ bấy lâu nay được gặp Bác kính yêu - Người sáng lập Ðảng ta, người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân ta, nay Bác đã đến với Bộ đội Không quân khiến lòng chúng tôi trào lên với tình cảm đặc biệt.
Không biết từ đâu, rất bất ngờ, Bác xuất hiện ngay ở bếp bay của phi công. Anh chị em nuôi quân ai nấy đều cặm cụi nấu nướng để chuẩn bị đưa cơm cho bộ đội trực chiến. Dáng hiền từ, Bác đi nhanh với đôi dép cao-su như lướt trên nền nhà còn gồ ghề. Bác dừng lại chỉ vào cái cân thịt đang có ruồi bâu, Bác nói: "Các cô chú có biết những con ruồi này cân được bao nhiêu không?". Anh chị em nuôi quân còn đang lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì Bác nhẹ nhàng nói luôn: "Các chú không quân bay hao tốn nhiều sức lực, các cô chú phải giữ gìn tốt vệ sinh, nuôi quân tốt bảo đảm sức khỏe cho các chú không quân để làm chủ kỹ thuật ở trên không!". Ðồng chí bếp trưởng vội thưa với Bác: "Chúng cháu có lỗi, chúng cháu xin vâng lời Bác dạy". Sau đó, Bác ra xe đến sân bay, cùng đi với Bác có đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Trung ương Ðảng; đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo Quân chủng, Trung đoàn.
Trước khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, Bác Hồ đến tận nơi biên đội trực ban chiến đấu chúng tôi đang đứng nghiêm dưới cánh máy bay. Bác nhìn đồng chí Lê Minh Huân, số 3, nai nịt quần kháng áp bó chặt vào người, Bác hỏi: "Các chú mặc thế này có nóng lắm không?". Ðồng chí Lê Minh Huân nhanh nhẹn trả lời: "Thưa Bác, có nóng ạ, nhưng chúng cháu luyện tập nhiều nên đã quen rồi ạ". Bác gật đầu vui vẻ và đi tiếp sang chỗ tôi. Ðồng chí Ðào Ðình Luyện, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921 thưa với Bác: "Ðây là đồng chí Trần Hanh, Chỉ huy biên đội trực ban hôm nay". Bác nhìn tôi, đôi mắt sáng ấm áp rồi mở một cúc áo trên cho thoáng mát - chiếc áo ka-ki đã vài chỗ bị sờn. Bác hỏi ngay: "Các chú làm sao mở mặt trận trên không thắng lợi?". Tôi lúng túng: "Thưa Bác, chúng cháu đã phát huy sức sáng tạo của tập thể, bàn bạc thực hiện dân chủ về quân sự, tìm nhiều cách hiến kế, nhưng thưa Bác vẫn thấy khó lắm ạ". Bác hơi nhíu mắt bên phải, nhìn lại tôi một lần nữa, hơi lâu lâu rồi Bác nói chậm rãi từng câu, từng chữ: "Các chú đặc công không có máy bay như các chú, thế mà đêm 30-11 vừa qua đã phá hủy được 29 máy bay Mỹ ở sân bay Biên Hòa, các chú có biết không? Phải đánh giỏi như đặc công ở trên không, bám lấy thắt lưng địch mà đánh thì không quân ta mới đánh thắng được!".
Lời Bác, từng câu, từng chữ như khắc sâu vào tim chúng tôi. Tôi ngẩn người ra một lúc. Một chân lý thật giản dị, dễ hiểu, thế mà trước đây tôi chưa hề nghĩ tới bao giờ. Bác nhìn tôi một lần nữa, gật đầu, bộ râu bạc của Bác nhẹ nhẹ rung, như người Cha kính yêu sau khi đã dạy bảo các con hiểu ra và tin ở các con. Tôi vội vàng thưa với Bác: "Thưa Bác, chúng cháu nhất định sẽ vâng lời, làm đúng như Bác đã dạy ạ". Bác ngoảnh lại nhìn đồng chí Ðào Ðình Luyện, Trung đoàn trưởng lúc đó cũng đứng cúi đầu chăm chú lắng nghe. Thấy Bác quay lại, đồng chí Ðào Ðình Luyện tiến lại gần và đón Bác ra với hàng quân. Tôi nhìn theo dáng Bác đi ung dung thư thái như một ông tiên mà lòng biết bao xúc động.
Sáng hôm đó, Bác đã dạy chúng tôi: "Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Ðằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Ðống Ða. Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú".
Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, đồng chí Trung đoàn trưởng Ðào Ðình Luyện hứa với Bác, với Ðảng sẽ thực hiện tốt lời Bác dạy, quyết tâm bắn rơi máy bay Mỹ từ lần xuất kích đầu tiên, từ trận chiến đấu đầu tiên để xứng đáng với sự quan tâm chăm lo của Bác, của Ðảng, của nhân dân, quyết tâm mở mặt trận trên không thắng lợi. Sau đó, biên đội gồm các phi công Lan, Túc, Quỳ, Phương và biên đội gồm các phi công Hanh, Giấy, Huân, Năm, ngày 3 và 4-4-1965 đã ghi nhớ sâu sắc trong tâm trí khi vào trận và thực hiện được lời Bác dạy, mở mặt trận trên không thắng lợi.
Ngày 5-4-1965, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng đã nghe Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo trực tiếp. Ðại tướng đã biểu dương và đánh giá cao trận thắng có nhiều ý nghĩa, vừa có tác dụng cổ vũ, rèn luyện bộ đội, vừa là tiền đề cho các chiến thắng sau này.
Cùng ngày đó, trong cuộc họp báo ở Sài Gòn, tướng Oét-mo-len - Tư lệnh tập đoàn không quân số 7 Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương đã thừa nhận "Các máy bay MIG mang phù hiệu không lực Bắc Việt đã dùng súng ca-nông để hạ những máy bay phản lực siêu âm của Mỹ. Chúng tôi không bắn nổi chiếc MIG nào".
Về trận không chiến ngày 4-4-1965, hãng tin Pháp AFP ngày 5-4-1965 đưa tin "Máy bay phóng pháo F.105 là loại máy bay hiện đại nhất của không quân Mỹ. Thế mà, hôm qua rõ ràng bị thua máy bay MIG lạc lậu hơn". Hãng tin Mỹ UPI ngày 5-4-1965 bình luận "Việc máy bay MIG hạ những máy bay phản lực khổng lồ bay nhanh gấp hai lần tiếng động đang làm cho Tòa Bạch Cung phiền lòng". Các hãng thông tấn và báo chí phương Tây nói về trận không chiến ngày 4-4-1965, đều gọi đó là "Ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ".
Vô cùng vinh dự và tự hào, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921 đã nhận được thư khen ngợi của Bác Hồ vào ngày 5-4-1965:
Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu "Ðã đánh là thắng". Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta. Bác gửi thư khen ngợi các chú và nhắc các chú phải luôn luôn:
- Nâng cao tinh thần "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", thắng không kiêu, khó không nản.
- Ra sức rèn luyện để tiến bộ mãi mãi.
- Ðoàn kết chặt chẽ với các đơn vị bạn và với nhân dân.
Chúc các chú lập nhiều chiến công hơn nữa.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 5 tháng 4 năm 1965
Bác Hồ
Ðến nay, 45 năm thực hiện lời dạy của Bác và 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người. Chúng ta thấy: Bác Hồ bằng cảm quan thiên tài và trí tuệ uyên bác của vị lãnh tụ tối cao của Ðảng, của nhân dân, của hồn thiêng sông núi đã chỉ rõ cho lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam con đường của trưởng thành và chiến thắng. Lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam đã nghiêm túc vâng lời Bác dạy. Lớp lớp phi công, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ không quân đã nêu cao bản lĩnh chính trị, vươn lên làm chủ khoa học - kỹ thuật, từng bước hiện đại, từng bước cùng lực lượng phòng không ba thứ quân góp phần làm chủ bầu trời, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bản thân tôi may mắn là một trong những người con của Bác, được Bác nhiều lần trực tiếp dạy bảo, suốt đời tôi mang ơn Bác, nguyện trau dồi đạo đức cách mạng để xứng đáng với lòng tin của Bác, của Ðảng và của nhân dân. Ðúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...
Trung tướng TRẦN HANH
Anh hùng LLVTND - nguyên Tư lệnh
Quân chủng Phòng không - Không quân