Ân tình trong hoạn nạn 

 
Thiếu úy Phan Hoàng Hải, trinh sát Đồn Biên phòng 236,  phụ trách địa bàn hai thôn Hói Dừa và Hói Mít, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, người đầu tiên có mặt tại khu  vực  tàu  E1 bị nạn, kể: “Em cùng hai đồng chí Nguyễn Văn Huấn và Hồ Hữu Hiếu đang công tác tại địa bàn, bỗng nghe một tiếng nổ lớn phía đường tàu, linh tính mách bảo tai nạn tàu hỏa đã xảy ra, em cùng Huấn, Hiếu và bà con trong thôn chạy ra hướng đường tàu, cảnh tượng thật là thương tâm, trong đống đổ nát, tiếng kêu rên, tiếng la thất thanh hốt hoảng.

Em vận động bà con trong thôn huy động tối đa các dụng cụ như búa, khoan, dao, rựa, kể cả dùng đá, vật cứng nhặt được trên đường ray để đập các cửa kính đưa người bị nạn ra ngoài. Khi thấy bà con đưa được khá nhiều người ra khỏi tàu, em huy động tại chỗ được bảy phương tiện là những ghe thuyền loại nhỏ đưa những người bị nạn ra hướng Quốc lộ 1 để đưa về các bệnh viện cấp cứu…”.

Thiếu tá, đồn trưởng đồn Biên phòng 236 Lê Văn Phương, nói trong giọng thương cảm: “Lúc đó khoảng hơn 12 giờ, tôi nhận được giọng nói gấp gáp qua điện thoại "Anh Phương ơi, tàu bị lật, nhiều người chết lắm”. Ngay sau đó tôi cầm máy điện thoại hỏi ga Lăng Cô để kiểm tra sự việc và thông báo ngay cho đại đội 1 cơ động của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh hợp đồng cứu hộ cứu nạn, đồng thời thổi còi tập hợp toàn thể cán bộ, chiến sĩ phổ biến tình hình. Anh em lập tức bỏ cả ăn trưa, cứ quần đùi áo lót, ôm phao cứu sinh tỏa ra các hướng, người thì lên ca nô của đơn vị tiến về hướng Đá Xẻ, người thì tỏa xuống các địa bàn huy động lực lượng và phương tiện đi cứu hộ, cán bộ, chiến sĩ cả đồn đều tập trung cho công tác cứu nạn. Trên đường, anh em tiếp tục thông báo và huy động bất cứ thuyền máy và ngư dân làng chài cùng chung tay tiếp sức. Chỉ trong vòng 10 phút, đã huy động toàn bộ lực lượng có mặt tại thị trấn. Nghe tiếng la hét, cầu cứu hỗn loạn, tôi thấy nếu không có sự chỉ huy tập trung thống nhất thì công tác cứu hộ không hiệu quả. Tàu E1 chủ yếu là cửa kính đóng kín, cửa lên, xuống lật về phía ta-luy. Tôi đã lệnh cho bộ đội là lực lượng chủ yếu để phá các cửa tàu, bà con làng chài và các lực lượng cứu nạn khác thì vận chuyển, bế, cõng, phân tán nạn nhân ra chung quanh. Quân y và lực lượng cứu thương của đơn vị trực tiếp băng bó, garô vết thương cho các nạn nhân. Tận dụng các giường nằm, các ghế ngồi của tàu bị bung ra, anh em lập tức tháo ra làm băng-ca, làm khiêng cáng các nạn nhân từ trên đường xuống các ghe, thuyền. Trên đường chở nạn nhân về đất liền, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã có những nghĩa cử hết sức cao đẹp, nhiều người lấy thân mình che chắn vết thương cho nạn nhân không để cho nước làm ướt vết thương. Thiếu úy Hoàng Văn Hải và trung úy Quốc cởi ngay áo mặc cho những cụ già, em nhỏ, động viên các nạn nhân cố gắng chịu đựng để vào cứu chữa tại Trung tâm y tế huyện Phú Lộc. Suốt từ 12 giờ trưa ngày 12 đến 13 giờ chiều ngày hôm sau, 57 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đồn 236 và đại đội 1 cơ động, nhiều người mình trần, chân đất, nhịn đói, cấp cứu, vận chuyển nạn nhân”.

Anh Nguyễn Ngọc Tâm (chủ nhà  hàng Thanh Tâm), nói: “Khi đồn biên phòng 236 gọi điện đến thông báo và yêu cầu phương tiện trợ giúp tôi cho ca-nô đi ngay, công việc vận chuyển cứ diễn ra liên tục nên tôi không biết mình đã cứu được bao nhiêu người”.

Anh Nguyễn Văn Thuyết ở thôn An Cư Tây thì nói: “Khi hay tin tôi liền thông báo cho các hộ có thuyền ghe trong xóm biết, rồi nổ máy đi ngay”.

Biết bao người khác, như anh Lê Phúc, Trương Tình, Trần Thanh Hùng, Nguyễn Khoa... thường ngày họ mưu sinh bằng nghề xe ôm kiếm sống, vậy mà chiều đó họ cứ như con thoi chở người liên tục không hề nghĩ đến xăng dầu, tiền bạc... Và chính những người ứng cứu, những người dân nghèo ở Hói Mít, Hói Dừa là những người tham gia bảo vệ tài sản cho khách. Họ mang túi xách, của cải nhặt được đưa cho Công an và BĐBP niêm phong, cất giữ. Hiện nay còn có hơn 90 bọc tài sản của hành khách đã được niêm phong tại ga Lăng Cô, do lực lượng bảo vệ chuyên ngành đường sắt quản lý, trao trả. 

Cán bộ văn phòng UBND thị trấn Lăng Cô Trịnh Cao Phong cho biết:   “Ngay khi nhận được tin báo, Ủy ban thành lập ngay ba tổ: tổ bến thuyền, tổ cứu nạn tại hiện trường và tổ bảo vệ tài sản cho hành khách, mỗi tổ 35-40 người. Trong hoạn nạn, mới thấy đồng bào mình tốt quá, không một tính toán công cán, tiền xăng dầu, kể cả tiền mua chiếu đắp cho các hành khách tử nạn. Trong hoạn nạn tôi mới thấy hết tinh thần hết lòng vì nhân dân của bộ đội biên phòng, các anh cứ đầu trần chân đất, người nào cũng thấm máu các nạn nhân, không nề hà bất cứ việc gì, thị trấn chi viện được ít bánh mỳ, các anh không ăn mà nhường nhịn cho các cụ già, em nhỏ".

Tại Thừa Thiên - Huế, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thăng cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo, Bệnh viện Trung ương Huế đã điều hai xe cấp cứu chuyên dùng và đội ngũ y bác sĩ ngoại khoa xuống ngay Lăng Cô để cùng các lực lượng y tế khác sơ cứu và phân loại bệnh nhân. Đồng thời đã huy động hết các bác sĩ phẫu thuật (kể cả những người được nghỉ ngày thứ bảy); và đưa máy móc ra phòng cấp cứu để trực tiếp xử lý kịp thời khi các nạn nhận  được đưa đến. 

Góp dòng máu để cứu sống các nạn nhân bị thương phải kể đến tấm lòng và nghĩa cử của tuổi trẻ khối Doanh nghiệp Đà Nẵng, hơn 50 đoàn viên, thanh niên đang tham gia Hội trại nhân Tháng thanh niên đã đến thẳng bệnh viện hiến được 36 đơn vị máu. Ngành Quân y Quân khu 5 điều động máy thở ACOMA 1000 cho bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu nạn nhân và sẵn sàng sẻ chia, sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết với quyết tâm cao nhất là giành lại sự sống cho các nạn nhân…