Nhìn lại năm 2017

Xuất khẩu gạo vực dậy đà tăng trưởng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng năm 2017, cả nước xuất khẩu được 5,49 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và 24,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2016. Đây là thành quả đáng ghi nhận của ngành sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: ĐÌNH HUỆ
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: ĐÌNH HUỆ

Vượt xa mức dự báo

Nếu như năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt 4,88 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015, thì trong 11 tháng qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo đã vượt qua con số của cả năm 2016. Theo dự báo, tháng 12-2017, xuất khẩu gạo sẽ đạt khoảng 400 đến 450 nghìn tấn, đưa tổng khối lượng xuất khẩu gạo cả năm lên mức từ 5,9 đến 6 triệu tấn, tăng 1,1 đến 1,2 triệu tấn so năm trước, bỏ xa mức dự báo xuất khẩu gạo toàn năm 2017 là 5,2 triệu tấn. Ðây là con số đáng mừng khi mà ngành xuất khẩu gạo vừa trải qua năm 2016 đầy khó khăn với áp lực dư cung, nhu cầu thị trường yếu, cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo trong khu vực và trên thế giới. Ðến nay, gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới 132 thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc vẫn giữ vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu với 39,8% thị phần và xuất khẩu gạo sang thị trường này liên tục tăng cả về khối lượng và giá trị.

Theo đánh giá của Cục Xuất, nhập khẩu, Bộ Công thương, lượng gạo xuất khẩu của nước ta tăng mạnh trong năm 2017 là do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng thời tiết khiến sản lượng gạo của một số nước giảm mạnh, làm nhu cầu nhập khẩu tăng cao. Trong khi đó, việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới tiềm năng như Băng-la-đét và I-rắc… cũng được đẩy mạnh. Và sự tăng vượt trội từ thị trường Trung Quốc ngay từ những tháng đầu năm 2017. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến sản lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh tại các thị trường như Ma-lai-xi-a hay Băng-la-đét là do các doanh nghiệp ký được những hợp đồng tập trung khối lượng lớn, hay đối với thị trường Phi-li-pin là do nhiều thương nhân đã trúng thầu cung cấp một sản lượng gạo lớn. Từ đó đẩy tổng sản lượng xuất khẩu tăng cao.

Tuy nhiên, trái ngược lại với sự gia tăng của sản lượng và kim ngạch thì giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2017 lại chỉ đạt 448,6 USD/tấn, giảm 0,3% so cùng kỳ năm 2016. Nhận định về thực tế này, chuyên gia lúa gạo Nguyễn Ðình Bích cho rằng: Giá gạo xuất khẩu bình quân giảm không nhiều so với năm 2016 và chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng hơn đối với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, trong bức tranh xuất khẩu gạo năm 2017 chính là việc tăng trưởng về sản lượng và giá trị xuất khẩu phần lớn là do yếu tố khách quan, tức là do nhu cầu thị trường tăng cao, chứ không phải do yếu tố chủ quan là gạo của ta ngon hơn, chất lượng hơn, phủ rộng thị trường hay giá bán cao hơn. Ðiều này cũng giống như năm 2016, khi nhu cầu thị trường xuống thấp thì sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo lập tức giảm sâu. Ông Bích cũng cho rằng, đây chính là biểu hiện sự bị động và không có khả năng chi phối được thị trường lúa gạo thế giới của ngành hàng sản xuất và xuất khẩu gạo nước ta.

Ðiều chỉnh chiến lược xuất khẩu

Có thể thấy, thành quả xuất khẩu gạo năm 2017 là một điểm nhấn đáng kể trong tổng quan chung của bức tranh xuất khẩu nông sản năm 2017, nhất là khi đặt trong tương quan so sánh với sự sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo của năm 2016. Tuy nhiên, để ngành hàng xuất khẩu gạo có thể giữ thế chủ động trên thị trường, giảm phụ thuộc vào các yếu tố khách quan thì thời gian tới còn nhiều việc phải làm. Hiện, gạo của nước ta chủ yếu bán ở thị trường châu Á và châu Phi, trong đó châu Á là thị trường gần và quan trọng nhất. Theo thống kê của Bộ Công thương, trong chín tháng đầu năm 2017, thị trường châu Á chiếm đến 68% tỷ trọng xuất khẩu gạo của Việt Nam (trong đó Trung Quốc chiếm gần 40%), kế đến là châu Phi với 15%. Ðiều này cho thấy sự lệ thuộc rất lớn vào những thị trường lớn và mang tính truyền thống.

Theo phân tích và đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thì lâu nay Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo vào thị trường khu vực, chứ không phải thị trường toàn cầu cho nên khi khu vực có biến động thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng cũng như kim ngạch. Ðơn cử như giữa năm 2016, khi Thái-lan xả một lượng lớn gạo tồn kho với giá rẻ đã khiến thị trường xuất khẩu gạo thế giới biến động khó lường và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cũng như sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo theo hướng toàn cầu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành xuất khẩu gạo.

Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7-2017, Việt Nam sẽ sớm nghiên cứu xây dựng Trung tâm giao dịch, đầu mối mua bán, giới thiệu sản phẩm thóc, gạo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa để cân bằng, điều tiết giá cả, ổn định thị trường, đồng thời là đầu mối giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo, giao dịch thương mại gạo với nước ngoài. Ðầu tư phòng kiểm định chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để tạo thuận lợi cho việc kiểm tra chất lượng gạo. Song song với đó là xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm gạo xuất khẩu và quy trình sản xuất, chế biến chuẩn từ khâu giống đến sản phẩm cuối cùng để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam.

Tháng 10-2017, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị "Triển khai chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030". Tại hội nghị, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2017 - 2020 là lượng gạo xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 4,5 đến 5 triệu tấn, giá trị bình quân đạt 2,2 đến 2,3 tỷ USD/năm; giai đoạn
2021 - 2030 lượng gạo xuất khẩu hằng năm đạt khoảng bốn triệu tấn, giá trị xuất khẩu duy trì 2,3 đến 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo cũng được điều chỉnh để đến năm 2020, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng 60% tổng kim ngạch; thị trường châu Phi 22%, thị trường châu Mỹ chiếm 8% và thị trường châu Âu chiếm 5%. Ðến năm 2030, thị trường châu Á chiếm khoảng 50%; thị trường châu Phi 25%, thị trường châu Mỹ chiếm 10% và châu Âu là 6%. Về chủng loại gạo xuất khẩu cũng có sự thay đổi. Theo đó, đối với thị trường châu Á sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm, gạo nếp; tại thị trường châu Phi, Trung Ðông sẽ khai thác các thị trường tiềm năng như I-ran, I-rắc; khai thác các kênh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao vào thị trường A-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ thương mại gạo theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả; đưa sản phẩm gạo có chất lượng, thương hiệu, giá trị cao vào các kênh phân phối chính thức, trực tiếp.

Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo

Chiến lược và mục tiêu đề ra đã rõ ràng cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, song để làm được điều đó, theo GS Võ Tòng Xuân, không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: Khó có thể giữ thị phần xuất khẩu gạo tại các thị trường truyền thống cũng như mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu nếu như không nhanh chóng và cấp bách xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Ðây đang là "điểm nghẽn" lớn nhất của ngành lúa gạo nước nhà nhưng chậm còn hơn không vì thị trường gạo thế giới ngày càng cạnh tranh. Hiện, việc xây dựng thương hiệu vướng ở nhiều khâu, trong đó đáng chú ý là khâu chọn giống lúa có gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng và xác định doanh nghiệp có tầm và thật tâm với nhiệm vụ này.

Thực tế cho thấy, các công ty kinh doanh gạo nổi tiếng của I-ta-li-a, Pháp, Nhật Bản, Thái-lan, Hoa Kỳ phần lớn dùng giống lúa phổ biến đạt chất lượng hợp khẩu vị người tiêu dùng để làm nguyên liệu cho thương hiệu gạo của mình chứ không phải dùng giống riêng của công ty họ lai tạo. Và trên cùng một giống lúa, các công ty có thể xây dựng các thương hiệu gạo khác nhau, như giống Koshihikari làm nguyên liệu của nhiều thương hiệu gạo Nhật Bản; giống Hom Mali trong nhiều thương hiệu gạo Thái-lan… Vì vậy, Việt Nam cần sớm có sự lựa chọn giống lúa để có thể xây dựng nhiều thương hiệu như thế, bởi nếu không có giống lúa tốt thì chắc chắn không thể có gạo ngon, đặc trưng cho Việt Nam để làm thương hiệu xuất khẩu. Hiện, nước ta đã có nhiều công ty, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo có ý thức và trách nhiệm về vấn đề này và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam nhưng phần nhiều mới chỉ là xác định lô-gô của công ty chứ chưa mang tầm thương hiệu để có thể tạo dựng danh tiếng cho gạo xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Từ nhiều năm nay, ngành hàng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo luôn là một trong những "tiêu điểm" của ngành nông nghiệp nước nhà bởi có tới 70% dân số của nước ta vẫn gắn bó với nghề trồng lúa. Sự tăng, giảm trong xuất khẩu của ngành hàng này mang một ý nghĩa lớn lao, không chỉ về giá trị kinh tế mà còn liên quan mật thiết đến việc tiêu thụ lúa cho người nông dân cũng như tăng, giảm mức lợi nhuận của họ. Chính vì vậy, thành quả xuất khẩu gạo năm 2017 rất đáng ghi nhận trên nhiều khía cạnh, đã vực dậy đà tăng trưởng của ngành hàng này sau sự sụt giảm sâu năm 2016, đồng thời cho chúng ta niềm hy vọng vào năm 2018 nhiều khởi sắc. Trong điều kiện các cơ quan chức năng đã có sự điều chỉnh về chiến lược xuất khẩu gạo cũng như một số cơ chế, chính sách về lĩnh vực này đang được sửa đổi và ban hành mới theo hướng tích cực và ổn định với tầm nhìn dài hạn hơn niềm hy vọng này là có cơ sở.