Đoàn Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo nghị quyết trong chương trình nghị sự.
Phát biểu đánh giá về tình hình hoạt động của các MSMEs trong thời kỳ Covid-19, những nỗ lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển các MSMEs, hỗ trợ số hóa đối với các doanh nghiệp này; hỗ trợ hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch trong ASEAN và một số đề xuất tăng cường hợp tác AIPA trong lĩnh vực này.
“Không bỏ lại ai phía sau”
Với Nghị quyết 01 về “Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN” do Brunei Darussalam và Malaysia đồng bảo trợ, Đoàn Việt Nam đóng góp nội dung vào Nghị quyết theo hướng ủng hộ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, ủng hộ việc thực thi có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số bao trùm thuộc Khung phục hồi tổng thể ASEAN và đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR) cho ASEAN.
Trong đó, tính chất bao trùm gắn với mục tiêu “không bỏ lại ai phía sau” trong chuyển đổi số, nguyên tắc “kỹ thuật số vì sự phát triển” cần được nhấn mạnh.
Nghị quyết nói trên do Brunei Darussalam và Malaysia cùng đề xuất, là sự tiếp nối Nghị quyết được thông qua tại Ủy ban Kinh tế trong khuôn khổ AIPA-41 do Việt Nam là nước chủ nhà về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh Covid-19”.
Tại phiên họp này, đại diện Đoàn đại biểu Hội đồng Lập pháp Brunei kêu gọi các nghị viện thành viên đồng thuận thông qua Nghị quyết để khẳng định cam kết quyết tâm trong hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế thông qua tăng cường hơn nữa kỹ thuật số.
Thảo luận các giải pháp, các đại biểu quan tâm đến việc ưu tiên kết nối, đặc biệt là kết nối tiểu vùng, vùng sâu và vùng xa, hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia; đẩy nhanh quá trình hội nhập số, củng cố hạ tầng kỹ thuật số bảo đảm chi phí hợp lý và dễ tiếp cận, cần thực thi những nội dung đã đạt được đồng thuận trong khu vực về quản trị dữ liệu.
Các đại biểu cũng khẳng định và khuyến khích vai trò của các nghị viện thành viên AIPA thúc đẩy nền kinh tế số và chuyển đổi số qua đó mang lại cơ hội kinh doanh tốt hơn; đồng thời ủng hộ các nỗ lực của các Chính phủ trong các giải pháp hỗ trợ và hợp tác khu vực, kết nối thương mại.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng, việc nắm bắt được xu thế và lợi thế của quá trình chuyển đổi số, tận dụng những cơ hội đến từ công nghệ kỹ thuật số chính là một trong những chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa ASEAN tiếp tục phục hồi và phát triển sau khủng hoảng do Covid-19 gây nên.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần tăng tốc quá trình chuyển đổi số để nâng cao sức chống chịu và năng lực cạnh tranh...
Tạo “hành lang xanh”
Với Nghị quyết thứ 2 về “Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Hợp tác du lịch trong ASEAN” do Thái Lan bảo trợ, Đoàn Việt Nam dự kiến tập trung đóng góp khuyến nghị các nước có chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch; thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về du lịch; kêu gọi các nước chia sẻ những tiêu chí đánh giá rủi ro, quy định xét nghiệm và hiện trạng tiêm chủng vaccine nhằm xây dựng hệ thống đánh giá, ưu tiên những thị trường trọng điểm.
Đoàn Việt Nam cũng nêu khuyến khích xây dựng các tiêu chuẩn và quy trình về sức khỏe và an toàn thống nhất trong ASEAN; Phục hồi và phát triển du lịch theo các nguyên tắc phát triển bền vững và toàn diện, trong đó không chỉ chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học mà còn gắn liền với bảo tồn đa dạng văn hóa trong phát triển du lịch.
Các đại biểu cũng khuyến nghị bổ sung cơ chế “bong bóng du lịch” như đã thảo luận trong ASEAN, AIPA, qua đó kêu gọi các nước thành viên tạo hành lang xanh, bắt đầu mở cửa biên giới trở lại tới các địa điểm đã an toàn, thiết lập đầy đủ thủ tục cần thiết và đánh giá được những rủi ro tiềm năng thông qua khung đánh giá ASEAN.
Tại các chủ đề nêu trên, các đại biểu lưu ý đến tác động của đại dịch Covid-19 đối với sự phát triển kinh tế và hội nhập trong khu vực ASEAN cùng sự gián đoạn của thị trường tài chính, thị trường và chuỗi cung ứng cũng như các lĩnh vực dễ bị tổn thương của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Phiên họp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số bao trùm trong ASEAN, đây là một trong những chiến lược quan trọng được thông qua trong Khuôn khổ Phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và kế hoạch hành động của nó là chiến lược để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19.
Dự thảo nghị quyết khuyến nghị các nghị viện thành viên AIPA sử dụng chính sách hiện có và hỗ trợ các đề xuất mới về nền kinh tế số; kỳ vọng rằng, việc thông qua dự thảo nghị quyết này sẽ tái khẳng định quyết tâm và cam kết của các nghị viện thành viên AIPA trong việc trao quyền cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN bằng cách thúc đẩy quá trình số hóa bao trùm của ASEAN.