Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

NDO -

Ngày 7/10, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là nông sản thứ hai của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Thanh long Bình Thuận.
Thanh long Bình Thuận.

Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận có ý nghĩa khẳng định uy tín tại thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…). Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Nhật Bản vốn nổi tiếng là một thị trường “khó tính”, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, cho nên việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại thị trường này vô cùng phức tạp. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua 2 con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận Văn Công Thới cho biết, đây là nhiệm vụ quan trọng, lãnh đạo UBND tỉnh giao cho Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối cung cấp các tài tiệu, số liệu, thông tin liên quan chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận cho Cục Sở hữu trí tuệ khi được yêu cầu. Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ Hiệp hội thanh long Bình Thuận tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung đã được phê duyệt trong dự án để chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được cấp bằng trong thời gian sớm nhất.

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng sở tại tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường này.

Theo đại diện UBND tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.