Phát triển logistics ở vùng kinh tế trọng điểm

Bài 1 : Khôi phục nhanh hoạt động logistics

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam với “hạt nhân” gồm: TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, là một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất cả nước. Việc phát triển nhanh và bền vững hoạt động logistics sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, duy trì tốc độ tăng trưởng của cả vùng hiện đang có dấu hiệu chững lại.

Phát triển logistics ở vùng kinh tế trọng điểm

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả Vùng KTTĐ phía nam, thậm chí nhiều tỉnh, thành phố trong vùng phải nhận gạo cứu trợ từ Chính phủ, trong khi đó, lúa gạo, nông sản tại một số địa phương lại không có đầu ra, nhiều dây chuyền sản xuất phải dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu đầu vào.

Cụm cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) có thời điểm phải ngưng tiếp nhận hàng hóa bởi không thể giải phóng hàng tồn. Đây được coi là trung tâm logistics của cả vùng. Nếu điểm nghẽn này vẫn tiếp tục tồn tại, việc kết nối các trung tâm sản xuất hàng hóa với các vùng KTTĐ khác, trong cả nước, cũng như với các trung tâm logistics của khu vực và thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, sớm khôi phục ổn định hoạt động logistics là yêu cầu cấp bách, góp phần tái khởi động sản xuất, đẩy mạnh giao thương.

Thiệt hại nặng nề

Nổi tiếng với sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng nhưng hơn hai tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phải hai lần gửi văn bản đến các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhờ “giải cứu” nhãn đến kỳ thu hoạch. Chưa khi nào giá nhãn đặc sản này lại xuống thấp đến vậy. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) Phan Thế Hoành cho biết: Trước đây, giá nhãn xuồng cơm vàng dao động ở mức 60.000 đồng/kg, nhà vườn có bao nhiêu các hệ thống siêu thị, DN xuất khẩu thu mua hết bấy nhiêu. Từ khi việc vận chuyển hàng hóa bị “đứt gãy” do đại dịch, dù giá xuống thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ, thiệt hại của người nông dân rất lớn.

Không chỉ nhãn xuồng cơm vàng, hàng loạt nông sản mang thương hiệu Bà Rịa - Vũng Tàu như: Bưởi da xanh, dưa lưới, rau củ quả cũng bí đầu ra. Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc Lê Thị Trang Đài chia sẻ: Qua đại dịch, một lần nữa cho thấy vai trò quyết định của hoạt động logistics đối với nền kinh tế. Việc tối ưu hoạt động logistics sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông sản. Tương tự, gần ba tháng qua, dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN nói chung và DN logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát cho biết, dịch bệnh đã khiến chuỗi lưu thông cung ứng gặp rất nhiều khó khăn, gia tăng thời gian, chi phí cho DN. Đơn cử như nhiều trường hợp giấy test, có nơi yêu cầu test nhanh kháng nguyên, lại có trường hợp quy định phải giấy test PCR. Để duy trì một xe hoạt động được trong những ngày qua chi phí đội lên khá nhiều, dẫn đến giá thành tăng cao và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu.

Chi phí sản xuất là một trong những nhân tố bị tác động mạnh nhất do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, hơn 72% số DN tại thành phố đánh giá chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm trong quý III/2021 tăng và giữ nguyên so với quý II và dự báo trong quý IV/2021 có thể tiếp tục tăng. Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) Lê Bích Loan cho biết: Hiện nay, SHTP có 67 trong số 80 DN hoạt động theo phương án “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”.

Phát triển logistics ở vùng kinh tế trọng điểm -0
 Cảng Gemalink (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bến cảng lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của Tập đoàn Gemadept. Ảnh: LÊ ANH TUẤN

Tuy nhiên, do chi phí tăng cao, trong đó có chi phí logistics, nên các DN gặp rất nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quy mô sản xuất của toàn SHTP chỉ đạt 40% so với quy mô sản xuất lúc bình thường. Đa số các DN ở SHTP tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu không có cách tháo gỡ thì DN không thể tăng quy mô sản xuất để đáp ứng đơn hàng quốc tế...

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept Phạm Quốc Long cho biết, các chi phí phát sinh cho công tác phòng, chống dịch đã tiêu tốn thêm nhiều nguồn lực của DN. Riêng tại cảng Gemalink (do Gemadept đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu), để thực hiện phương án “ba tại chỗ” cho 500 cán bộ, công nhân viên, mỗi tháng DN phải chi thêm hàng tỷ đồng. Đó là chưa kể tới chi phí xét nghiệm PCR 3 ngày/lần cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên, người lao động.

Ưu tiên khôi phục hoạt động logistics

Khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng, an toàn với dịch Covid-19 là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, để các ngành kinh tế hoạt động bình thường trở lại thì lĩnh vực logistics phải được ưu tiên mở cửa đầu tiên và cần nhiều chính sách hỗ trợ. “Khoảng trống” do các DN logistics trong nước tạo ra do những khó khăn của đại dịch là cơ hội cho các DN logistics nước ngoài giàu tiềm lực tài chính.

Với lợi thế là cửa ngõ hàng hải của Vùng KTTĐ phía nam và cả khu vực Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm logistics lớn của vùng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết: Không chỉ là điểm đến của các hãng tàu lớn trên thế giới, hiện nay các công ty giao nhận, khai thác kho bãi, các nhà phân phối lớn cũng đã đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tỉnh xác định cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải có vị trí đặc biệt quan trọng. Khi dịch bùng phát, ngoài công tác phòng, chống dịch được triển khai, tỉnh chủ động làm việc với các DN cảng nhằm hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh không để chuỗi vận tải biển quan trọng này “đứt gãy”. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho DN, thực hiện hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ, nhưng trên thực tế vẫn không thể tháo gỡ hết khó khăn mà DN đối mặt. Để khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tỉnh xác định phải hỗ trợ tối đa cho các DN logistics bởi đây là “nút thắt” của cả nền kinh tế.

Đối với việc mở cửa sau ngày 30/9 cần tính toán liên vùng, trước khi ban hành văn bản, các địa phương cần trao đổi để đồng bộ trong quản lý. Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát Nguyễn Duy Hưng cho rằng, từ Bình Dương qua Đồng Nai và ngược lại, giấy xét nghiệm PCR hay kháng nguyên ba hoặc năm ngày cần quy định thống nhất, tránh mỗi tỉnh một kiểu, gây khó khăn cho DN. Đồng thời cần có giải pháp để những người thi hành công vụ nhận thức rõ việc kiểm soát được dịch bệnh nhưng không để tắc nghẽn chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, vừa qua, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đã thống nhất thành lập tổ giải quyết liên vùng, quy định chung áp dụng cho cả vùng khi trở lại trạng thái bình thường mới. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều DN ở TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực trụ vững sản xuất, kinh doanh, không để “đứt gãy” các đơn hàng xuất khẩu của các đối tác nước ngoài nhờ có sự hỗ trợ tích cực từ DN logistics và các ngành chức năng.

Ông Ngô Tùng Bảo, Giám đốc Công ty Quốc tế Thái Bình Dương chuyên cung ứng dịch vụ logistics vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu cho biết, trung bình mỗi ngày công ty vận chuyển hơn 50 container hàng hóa, chủ yếu từ Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định… xuất khẩu đi các nước qua cảng Cát Lái. Tuy giảm lượng hàng hóa so với bình thường, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của DN sản xuất và đơn vị dịch vụ logistics. Khó khăn nhất hiện nay là giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua, chi phí xét nghiệm cho các lái xe rất tốn kém nhưng không đưa được vào chi phí giá cước vận chuyển.

Từ khá sớm, tỉnh Bình Dương đã chú trọng việc đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ logistics trọn gói, đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics theo hướng hiện đại. Thực tế, lĩnh vực logistics đáp ứng nhu cầu vận tải, kho bãi và lưu thông hàng hóa của các DN ở Bình Dương đã tăng rất nhanh, nhiều DN đầu tư cơ sở hạ tầng lớn với trang thiết bị hiện đại. Đây là cơ sở quan trọng để Bình Dương sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh khi trở lại trạng thái bình thường mới và sẽ tác động tích cực đến toàn Vùng KTTĐ phía nam…

Nhằm góp phần hỗ trợ đẩy nhanh thông thương hàng hóa, các đơn vị chức năng tại các địa phương đã chủ động nhiều giải pháp thông quan hiệu quả. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Long An Nguyễn Ngọc Huân cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, nhưng Hải quan Long An vẫn tạo mọi điều kiện cho DN thông quan nhanh hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Đến giữa tháng 9, Cục Hải quan Long An đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.700 tỷ đồng, vượt 6,8% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, đạt 100,2% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao trong năm 2021, tăng 90% so cùng kỳ. Còn theo Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I Nguyễn Thanh Long, trung bình mỗi ngày, Chi cục thực hiện 600 tờ khai xuất khẩu hàng hóa với kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 triệu USD. Lũy kế 9 tháng năm 2021, đã giải quyết hơn 154.300 tờ khai hàng xuất khẩu với kim ngạch 9,4 tỷ USD.

(Còn nữa)