Khó chồng khó
Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá lúa tuần qua đã có sự tăng giảm khác nhau giữa các địa phương. Cụ thể với lúa hạt dài, tại Tiền Giang được thu mua tại ruộng 5.250 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; tại Long An 5.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; tại Đồng Tháp 5.250 đồng/kg, tăng 50 đồng… Nhưng giá gạo lại giảm mạnh như gạo IR NL 504 giảm 300 đồng, xuống còn 7.100-7.200 đồng/kg; gạo TP IR 504 giảm 200 đồng, còn 8.100-8.200 đồng/kg; cám vàng giảm mạnh 900-1.000 đồng so với thời điểm đầu tháng 8/2021 và hiện còn 6.300 - 6.400 đồng/kg; tấm 1 IR 504 giảm 300 đồng, xuống còn 6.700- 7.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA cho biết, giá lúa gạo vẫn có mức cao, thấp khác nhau giữa các địa phương. Do nơi nào giao thông thuận lợi, thông thoáng hơn thì thu mua dễ dàng và giá cao, còn ở địa phương thủ tục khó khăn, giá vẫn thấp.
Hiện đã vào vụ thu hoạch rộ lúa hè thu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo thông lệ hàng năm, cứ thời điểm chính vụ, giá lúa hè thu sẽ giảm hơn so với mặt bằng chung cả năm. Nguyên nhân do lúa hè thu chất lượng giảm, chi phí logistics, sấy tăng nên các doanh nghiệp có xu hướng giảm giá thu mua một chút. Đối với vụ hè thu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ”, năng lực sản xuất giảm khiến ở nhiều nơi, giá lúa giảm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, những khó khăn về logistics, vận chuyển hàng hóa khiến doanh nghiệp có đơn hàng nhưng cũng không thể vận chuyển được đến cho đối tác.
Đơn cử, tại Tập đoàn Intimex, nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy từ tháng 7 đến nay thì trong tháng, Intimex phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo. Tuy nhiên, do khó khăn vì không thuê được tàu vận chuyển nên dự kiến tập đoàn chỉ có thể giao cho đối tác 30.000-35.000 tấn. Nguyên nhân do các đơn hàng đi châu Phi không có tàu lớn vào do lo ngại dịch bệnh. Chưa kể, cước vận chuyển cũng rất cao. Đơn cử, cước đi Mỹ hiện tới 15.000 USD/cont - lớn hơn giá trị gạo. Vận chuyển giữa các địa phương trong nước cũng đang gặp khó khăn do giãn cách… Điều này sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi không chỉ sụt giảm doanh thu mà còn có thể mất khách hàng khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lý giải thêm, hiện nay, mới chỉ có quy định “luồng xanh” trên đường bộ còn đường thủy thì chưa rõ ràng, mỗi địa phương áp dụng khác nhau, trong khi đó 90% lúa gạo vận chuyển bằng đường thủy. Bên cạnh đó, các cảng phía nam đang thiếu lao động trầm trọng do làm việc giãn cách, do các quy định người dân không được ra khỏi nhà sau 18 giờ nên các cảng muốn làm thêm giờ, làm theo ca để tăng năng lực bốc xếp, vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng lúa gạo tồn tại các cảng khiến doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”.
Từ đó, VFA đề nghị Chính phủ và Bộ, ngành nhanh chóng tạo “luồng xanh” cho vận chuyển đường thủy và có sự thống nhất trong cả khu vực phía nam. Đồng thời, với vấn đề giá cước vận tải biển hiện ở mức quá cao, VFA kiến nghị Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) xem xét hạ cước giá tàu biển cho doanh nghiệp.
Tình hình ách tắc trong khâu vận chuyển khiến việc tiêu thụ lúa gạo cho bà con gặp nhiều khó khăn, do đó, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp nên tận dụng thời điểm này để mua tạm trữ lúa gạo, vừa để hỗ trợ người dân, vừa có sẵn nguồn hàng để xuất khẩu khi thị trường “ấm” dần. Nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp, để mua tạm trữ phải có vốn, song dù ngân hàng đã có các quy định về lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp lúa gạo, song thực tế việc tiếp cận nguồn vốn này không dễ.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ngày 16/8, Bến 125 thuộc Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đã được mở cửa hoạt động trở lại để nối lại hoạt động xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp thu gom, chế biến xay xát và kinh doanh lúa gạo tại Nam Bộ. Trước mắt, Bến 125 chỉ mở lại với công suất khoảng 70 container/ngày. Nếu tính trung bình mỗi container khoảng 25 tấn gạo, mỗi ngày sẽ chỉ có khoảng 1.750 tấn gạo được đóng container để xuất khẩu. So với nhu cầu xuất gạo của doanh nghiệp, công suất này là nhỏ, song cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh phải giãn cách hoặc phong tỏa, hàng hóa ùn tắc.
Cách đây hơn 1 tháng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cảng Cát Lái phải tạm dừng hoạt động đóng rút gạo tại khu vực Bến 125 để thực hiện yêu cầu cách ly, phòng ngừa dịch. Do đó, việc mở lại Bến 125 đã phần nào mở ra tín hiệu khả quan cho lúa gạo đang tồn đọng tại đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn về bến bãi, mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo hàng hóa. Theo đó, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.
Trước đó, để bảo đảm tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa cho người nông dân, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan xem xét có biện pháp cấp bách mở luồng xanh cho vận tải đường thủy. Đồng thời, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương cũng kiến nghị cho phép người lao động tại các cảng biển được di chuyển sau 18 giờ để phục vụ công tác bốc xếp, giải phóng hàng tồn kho nếu bảo đảm có các kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19…
Ở khâu vận chuyển, Cục Hàng hải cũng yêu cầu các hãng tàu không có sự điều chỉnh tăng giá cước vận tải biển từ nay đến cuối năm. Chỉ đồng bộ được các giải pháp này, khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mới được giải quyết để kịp thời tiêu thụ hết lúa hè thu cho bà con nông dân.