Thiếu tá, chính trị viên đồn biên phòng Tân Thanh Đào Công Ngọc cho biết: Trong năm 2021, tình hình buôn lậu trên địa bàn do đồn phụ trách quản lý cơ bản được ngăn chặn, không có ổ nhóm tụ điểm buôn lậu lớn. Song vẫn xuất hiện một số đối tượng lén lút xuất, nhập lậu qua tuyến biên giới tại các đường mòn. Hàng nhập lậu chủ yếu là quần áo may mặc sẵn, hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm. Trong đó, có nhiều hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Dự báo càng về cuối năm tình hình sẽ càng phức tạp, do đó, đồn Biên phòng Tân Thanh đã triển khai và duy trì 30 chốt chặn trên toàn tuyến, trong đó, có 20 lán chốt cố định tại những điểm “nóng”, đồng thời thành lập 6 tổ cơ động với sự tham gia của bộ đội biên phòng, hải quan, dân quân… thường xuyên tổ chức tuần tra dọc tuyến biên giới thuộc địa bàn quản lý. Trong nội địa, lực lượng quản lý thị trường và Công an tỉnh Lạng Sơn triển khai các biện pháp để kiểm soát khâu lưu thông từ khu vực biên giới vào nội địa, cũng như thực hiện kiểm tra một số kho chứa hàng, một số cơ sở kinh doanh…
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh, tính từ đầu tháng 11/2021 đến nay, các đội đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 62 cơ sở kinh doanh thực phẩm có hành vi buôn bán hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu.
Đơn cử như ngày 25/11, Đội Quản lý thị trường số 7 đã kịp thời ngăn chặn xe ô-tô đang trên đường vận chuyển 14 tấn thịt bò đông lạnh sản xuất ở nước ngoài, chủ hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy kiểm dịch lô hàng này. Vụ việc hiện đang được xử lý theo quy định.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đặng Văn Ngọc cho biết: Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng lực lượng quản lý thị trường khắc phục mọi khó khăn, tổ chức ứng trực bảo đảm bảo 100% quân số ngày làm việc.
Thực hiện kế hoạch cao điểm về kiểm soát mặt hàng thực phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phối hợp cùng lực lượng công an tăng cường kiểm tra trên khâu lưu thông, qua đó, kịp thời ngăn chặn các phương tiện có hành vi vận chuyển thực phẩm nhập lậu. Đồng thời, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện những điểm cất giữ thực phẩm nhập lậu trong khu vực nội địa, xây dựng chuyên án triệt phá; kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó, trọng tâm là các cơ sở có hoạt động chế biến thực phẩm trong địa bàn nội địa, từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để thực phẩm lậu, thực phẩm bẩn tiêu thụ trên thị trường. Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh từ tuyến biên giới tới khu vực nội địa, nhiều vụ về gian lận thương mại, thương mại điện tử đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp về quản lý thị trường và thu ngân sách nhà nước như sau: Thực hiện tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo 389 các cấp, tham mưu chỉ đạo các ngành chức năng trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu trên các địa bàn trọng điểm, lĩnh vực hóa đơn bán hàng, gian lận thương mại qua xuất nhập khẩu, kiểm tra, xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; hành vi kinh doanh hàng giả nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi tăng giá đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng ...
Thực hiện nghiêm túc các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó tập trung đối với các đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến hóa đơn bán hàng nhằm phòng ngừa gian lận thương mại về giá, về nguồn gốc hàng hóa, trốn thuế; rà soát, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, các chương trình khuyến mại, chào hàng có bán hàng hóa của các doanh nghiệp tại các điểm dân cư.
Tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn, xử lý vi phạm liên quan đến vận chuyển hàng hóa nhập lậu; phối hợp cơ quan Thuế quản lý hóa đơn bán hàng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng hóa đơn để gian lận về giá, chuyển giá nhằm trốn thuế; phối hợp đôn đốc các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, thu nộp ngân sách nhà nước tiền phạt, tiền phát mại hàng hóa và tiền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Phối hợp cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng liên quan thực hiện giám sát hàng hóa từ cửa khẩu vào nội địa nhằm phòng, chống gian lận thương mại về nguồn gốc hàng hóa, giá hàng hóa; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.