Gỡ khó cho nông sản, thủy sản Nam Bộ và Tây Nguyên

NDO -

Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp khiến cho việc tiêu thụ nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tìm giải pháp gỡ khó cho nông sản Nam Bộ và Tây Nguyên.

Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tìm giải pháp gỡ khó cho nông sản, thủy sản Nam Bộ và Tây Nguyên. (Ảnh minh họa: Diệu Anh, Chinhphu.vn)
Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tìm giải pháp gỡ khó cho nông sản, thủy sản Nam Bộ và Tây Nguyên. (Ảnh minh họa: Diệu Anh, Chinhphu.vn)

Chiều 6/8, Bộ Công thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến “Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021”.

Chung tay khơi thông các luồng tiêu thụ trong và ngoài nước

Hội nghị trực tuyến diễn ra trong vòng 3 ngày, là 6, 9 và 10/8/2021. Đây là một trong những hoạt động  nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2021.

Một trong những nội dung được quan tâm nhất tại Hội nghị, là những giải pháp, hoạt động hỗ trợ thiết thực của các Bộ, ban, ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để cùng chung tay, chung sức với các địa phương, doanh nghiệp khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên khơi thông, đẩy mạnh các luồng tiêu thụ trong và ngoài nước.

Nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản của khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên sẽ được giới thiệu tại hội nghị như: Trái cây (nhãn, chuối, bưởi, quýt, măng cụt, mãng cầu, thanh long, chanh, dưa hấu, dứa, sầu riêng, ổi, dừa xiêm); Rau củ và các loại hạt (các loại rau ăn lá và ăn quả: rau ngót, hành lá, xà lách, rau muống, rau dền, mùng tơi, dưa leo, bắp cải, bí đao, mướp, khổ qua, bầu bí, khoai lang tím, khoai mỡ, khoai môn, gừng, sả, đậu phộng…); lương thực (gạo, khoai mì…); Thủy sản (tôm, cá, cua, sò, hàu, nghêu…; Gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm…

Theo số liệu của Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi kiểm tra tình hình cung ứng, lưu thông hàng hóa, nông sản các tỉnh phía nam từ giữa tháng 7/2021, một số địa phương như Đồng Nai có khả năng cung ứng lượng lớn thịt lợn (63.000 tấn), thịt gà (1.300 tấn), nhưng cần bổ sung gạo tẻ, rau củ quả và dầu ăn.

Tỉnh Long An có lượng dự trữ hàng hoá lớn, có thể cung cấp cho thị trường các sản phẩm như: Gạo (2.200 tấn), rau củ và dầu ăn. Bên cạnh đó, Đắk Lắk có nhu cầu cung ứng và xuất khẩu số lượng lớn các sản phẩm như: cà phê (450.000 tấn), hồ tiêu (77.000 tấn), sầu riêng (50.000 tấn)…

Gỡ khó cho nông sản, thủy sản Nam Bộ và Tây Nguyên -0
Hội nghị trực tuyến “Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021”. 

Những giải pháp cấp bách

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương đã cùng ký kết "Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế" hôm 13/7.

Để tháo gỡ khó khăn cho nông sản Nam Bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương cùng thống nhất triển khai một số biện pháp trong thời gian tới.

Cụ thể: Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, xác định thị trường trong nước là trọng tâm, nền tảng phát triển tiêu thụ nông sản, thủy - hải sản. Bên cạnh đó, xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt nói chung, nông sản và thủy, hải sản nói riêng, qua đó nâng cao uy tín hàng sản xuất trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

Cùng với đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh với nguyên liệu đầu vào trong nước, để giảm tải cho việc tiêu thụ nông sản tươi, phục vụ cho thị trường trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xuất khẩu, nhằm đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả, trách nhiệm.

Ngoài điểm cầu Hà Nội, Hội nghị còn có sự tham gia của 700 đại biểu trong nước và quốc tế. Trong đó có UBND các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và một số địa phương phía bắc. Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, đại diện các kênh phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp thu mua xuất nhập khẩu trong nước cũng tham dự.

Hội nghị tổ chức phiên toàn thể vào chiều 6/8. Các phiên kết nối giao thương doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), tư vấn phát triển thị trường sẽ diễn ra trong các ngày 9 và 10/8.