Gián đoạn nguyên liệu từ Trung Quốc, doanh nghiệp chật vật tìm cách xoay xở

NDO -

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Trung Quốc đã thực hiện phong tỏa trên diện rộng khiến việc nhập khẩu nguyên liệu hàng hóa từ quốc gia này của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và gián đoạn.

Doanh nghiệp tìm nguồn thay thế trước sự gián đoạn nguyên liệu từ Trung Quốc.
Doanh nghiệp tìm nguồn thay thế trước sự gián đoạn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Khó khăn do gián đoạn nguyên liệu

Là doanh nghiệp dệt may tương đối lớn, trước đây mỗi tuần, Tổng công ty Việt Thắng phải nhập 3 container nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc với giá trị hơn 80 nghìn USD để sản xuất. Tuy nhiên khoảng 10 ngày trở lại đây, hàng nguyên liệu không nhập về nữa do tắc nghẽn tại một số cảng ở quốc gia này.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Thắng Jean cho biết: “Khoảng 10 ngày nay, đối tác phía Trung Quốc không thông báo được thời hạn giao hàng chính thức cho nên một số nguyên liệu nhập từ Trung Quốc chúng tôi buộc phải chuyển đổi sang nguồn khác. Hiện nay, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đang chiếm khoảng 30-40% tổng nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp”.

Với ngành hàng da giày, hơn 1 tháng nay, nhiều doanh nghiệp cũng không thể nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ: “Các đối tác phía Trung Quốc cho biết bên đó đang thiếu container rỗng để chuyển hàng về, cộng với nguồn cung khan hiếm do nhà máy tạm dừng hoạt động vì Covid-19. Không có nguyên phụ liệu để sản xuất nên tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp đang bị chậm lại”.

Hiện ngành da giày nhập khẩu tới 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nên việc nước này phong tỏa trên diện rộng khiến nguồn cung ứng bị gián đoạn. Cộng thêm chi phí vận chuyển, dịch vụ hậu cần đang ở mức rất cao nên doanh nghiệp rất khó để đáp ứng kịp thời các đơn hàng.

Ngoài dệt may, da giày, các doanh nghiệp điện tử khác tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai cũng gặp tình trạng tương tự. Đơn cử, tại Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp đang không thể sản xuất dù trong giai đoạn cao điểm phục hồi và đơn hàng nhiều. Việc này xuất phát từ nguyên nhân Trung Quốc vốn là công xưởng sản xuất hàng hóa, thiết bị đầu vào của cả thế giới nên khi nước này thực hiện chính sách Zero Covid đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 36,78 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc phần lớn là nguyên liệu phục vụ sản xuất. Do đó, việc gián đoạn nguồn cung từ thị trường này gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tìm hướng đi mới

Dự báo, dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cho biết đang tìm cách xoay sở tìm nguồn cung trong nước, đồng thời thương lượng gia hạn thời gian giao hàng với nhà nhập khẩu.

Cụ thể, với những nguyên phụ liệu có thể thay thế trong nước được các doanh nghiệp đang tích cực đàm phán với đơn vị cung ứng để mua. Riêng với nguyên phụ liệu không sản xuất được doanh nghiệp phải chấp nhận chờ bởi không tìm được nguồn thay thế ngay lập tức trong thời điểm này. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho biết đang thương lượng với đối tác để giao hàng chậm.

Ông Phạm Văn Việt chia sẻ: “Chúng tôi ứng biến bằng cách chuyển các mặt hàng khác lên sản xuất và phần nguyên liệu thiếu, chúng tôi phải sẽ tìm nguồn nguyên liệu khác trong thời gian tới để thay thế. Tuy nhiên, về lâu về dài, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp có thêm các đơn hàng mới từ đó mở rộng nguồn mua nguyên phụ liệu ở các thị trường khác”.

Hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công thương đang rốt ráo phối hợp các bộ, ngành liên quan trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài. 

Bộ cũng đang tích cực triển khai hoạt động cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp. Đồng thời, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và bảo đảm nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.

Chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu là chiến lược lâu dài, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, theo các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, cân nhắc giữa bài toán kinh tế và sự phát triển ổn định, bền vững trong đa dạng hóa và tìm thị trường nhập khẩu mới. Từ đó, chủ động giảm bớt tỷ lệ phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.