Theo phản ánh của nhiều địa phương và doanh nghiệp, nguyên nhân quan trọng khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn ì ạch là do vướng mắc trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là liên quan định giá doanh nghiệp và Luật Ðất đai. Bên cạnh đó, công tác bán vốn nhà nước phụ thuộc vào thị trường cho nên cũng bị ảnh hưởng, do dịch Covid-19 tác động đến thị trường tài chính, chứng khoán, công tác xác định giá trị doanh nghiệp,…
Chỉ cổ phần hóa được ba doanh nghiệp
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, một trong những nhiệm vụ đạt kết quả khả quan của Ủy ban năm 2021 là công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, Ủy ban đã chỉ đạo hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2; phương án thoái vốn của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) tại Tổng công ty Phát điện 3; quyết toán cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam; cơ cấu lại, tăng, giảm, chuyển nhượng vốn đầu tư của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tại các công ty thành viên; thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Ðồng thời, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện cơ cấu lại theo các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về thoái vốn, Ủy ban đã chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại sáu doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách 574,7 tỷ đồng, thu về 2.637,7 tỷ đồng (gấp 4,6 lần). Ðặc biệt, trong năm 2021, Ủy ban đã chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam triển khai thành công phương án cơ cấu lại tài chính thông qua thực hiện vay tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, tránh cho hãng hàng không quốc gia rơi vào tình trạng phá sản.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của cả nước còn rất chậm. Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong năm 2021 chỉ có ba doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam được cổ phần hóa. Thế nhưng, những doanh nghiệp này lại không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và như vậy, số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch đến nay là 89 doanh nghiệp. Trong đó, Hà Nội còn 13 doanh nghiệp (chiếm 14% kế hoạch), TP Hồ Chí Minh còn 38 doanh nghiệp (chiếm 40%). Công tác thoái vốn cũng rất chậm, đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng. "Tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ là 1.401 tỷ đồng, không đáp ứng yêu cầu thu 40 nghìn tỷ đồng từ bán vốn nhà nước năm 2021 theo Quyết định số 1950/QÐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021", Cục Tài chính doanh nghiệp chỉ rõ.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, hệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ, kịp thời được sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để các doanh nghiệp triển khai thực hiện; trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về điều kiện cổ phần hóa gắn với phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Ðồng thời, hướng dẫn phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; bãi bỏ nội dung quy định về xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có) vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa,… Việc không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm là do vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, thuộc về nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn có tư tưởng đối phó của các cơ quan, đơn vị dẫn đến kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn thấp.
Công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn theo đánh giá chung vẫn chưa tốt, nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, bất cập về tài chính chưa được xử lý dứt điểm,... Vì vậy, giải pháp cần chú trọng trong thời gian tới là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Ðể đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và bảo đảm nguồn thu năm 2022, Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, thoái vốn phải có địa chỉ cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần quyết liệt đôn đốc, triển khai chuẩn bị để các khâu cho thoái vốn ngay từ đầu năm để sau khi phương án thoái vốn được phê duyệt vẫn còn đủ thời gian triển khai thực hiện. Nếu công tác chuẩn bị không được làm sớm và làm tốt, sẽ rất khó thành công. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025, phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn không nhằm mục đích trực tiếp tăng thu cho ngân sách nhà nước mà hướng đến mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nguồn thu về cổ phần hóa và thoái vốn sau khi được ưu tiên sử dụng để tái đầu tư cho các doanh nghiệp, phần còn lại được sử dụng cho chi đầu tư phát triển. Vì vậy, việc bảo đảm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn không chỉ củng cố lại khu vực doanh nghiệp nhà nước mà là nguồn lực bổ sung cho hoạt động đầu tư phát triển trong bối cảnh nền kinh tế rất cần bơm thêm vốn để phục hồi, phát triển sau đại dịch.
TÔ HÀ