Chống dịch hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế

Mặc dù có những tác động rất lớn từ dịch Covid-19, nhưng tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kịch bản cùng các giải pháp linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kiểm soát dịch bệnh, qua đó từng bước phục hồi và tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Du khách đến Hạ Long - Quảng Ninh tăng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm 2021.
Du khách đến Hạ Long - Quảng Ninh tăng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm 2021.

Dịch Covid-19 với biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh, số ca mắc tăng cao nhưng tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp chống dịch linh hoạt, hiệu quả. Nhờ đó toàn tỉnh vẫn giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới; hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh và trật tự xã hội... Đặc biệt tỉnh giữ vững đà tăng trưởng hai con số.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, với tinh thần chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, nhất quán phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tỉnh đã dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác chống dịch và không ngừng nỗ lực tiếp cận các nguồn vaccine. Đến thời điểm này, Quảng Ninh vẫn kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện bao phủ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân trên địa bàn, đạt tỷ lệ gần 99%; đồng thời linh hoạt thích ứng với tình hình mới và tạo được lòng tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện cho biết, việc tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19 rất quan trọng, nhằm tăng miễn dịch của cơ thể, chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2. Nhờ tiêm liều nhắc lại mũi 3 với tỷ lệ rất cao cho nên phần lớn số ca mắc mới ở thể nhẹ, không triệu chứng, chủ yếu cách ly tự điều trị tại nhà, đạt kết quả tích cực; số ca trở nặng, tử vong chỉ chiếm con số rất nhỏ. Thống kê cho thấy số ca trở nặng và số ca tử vong chiếm khoảng 0,04% trong tổng số ca mắc mới, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước, cũng như trong khu vực và trên thế giới.

Việc chuyển mục tiêu từ “Zero Covid” sang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là thời điểm rất khó khăn, khi số F0 liên tục tăng nhanh tại Quảng Ninh. Tỉnh triển khai đồng thời nhiều giải pháp, bên cạnh tăng tốc thực hiện chiến dịch tiêm chủng diện rộng vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên thì cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương vào cuộc rất quyết liệt.

Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố đã nhanh chóng thành lập 137 trạm y tế lưu động; trong đó kích hoạt hơn 100 trạm, thu hút hơn 12 nghìn nhân viên y tế, tình nguyện viên hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà. 177 trạm y tế cố định đưa vào sử dụng phần mềm quản lý thông tin, tư vấn sức khỏe F0 điều trị tại nhà và được bố trí tăng cường nhân lực để tất cả trạm có bác sĩ công tác, đáp ứng yêu cầu chuyên môn cho các tuyến y tế cơ sở.

Ngành y tế và các địa phương đã thành lập các tổ tư vấn y tế liên quan điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 qua đường dây nóng; thành lập các nhóm Zalo phục vụ công tác tiếp nhận phản ánh của F0 và tư vấn, điều trị F0 tại nhà nhằm san sẻ gánh nặng trong tư vấn, điều trị cho lực lượng y tế cơ sở.

Bác sĩ Bùi Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hạ Long chia sẻ, để chủ động hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, các trạm y tế đã soạn sẵn danh mục thuốc điều trị ngoại trú, đồng thời hướng dẫn F0 điều trị tại nhà chủ động mua tại các hiệu thuốc. Ngành y tế cũng sớm biên soạn sổ tay hướng dẫn điều trị tại nhà và phát cho các hộ gia đình có người nhiễm Covid-19. Các hướng dẫn điều trị cũng được gửi đến F0 điều trị tại nhà qua các nhóm Zalo, kèm số điện thoại liên hệ để có thể nhờ bác sĩ tư vấn bất kỳ lúc nào.

Với các giải pháp đồng hành, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, Quảng Ninh đang từng bước đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị. Từ đầu năm 2022, tỉnh chủ động đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị F0 tại nhà và đến giữa tháng 3 vừa qua, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn người mắc Covid-19 được điều trị bằng thuốc Molnupiravir với sức khỏe đều ổn định.

Từ việc giữ vững địa bàn an toàn, cùng với những kết quả trong tạo dựng nền tảng, đánh thức tiềm năng, Quảng Ninh hiện đang bước vào giai đoạn tăng tốc, bứt phá, nhất là khi tỉnh đầu tư một hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển liên kết địa phương, liên kết vùng và quốc tế. Tỉnh giữ vững là một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện phía bắc, tạo đà thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội của năm 2022, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước.

Cùng với chống dịch hiệu quả, Quảng Ninh luôn quan tâm hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ cá thể trong lĩnh vực du lịch dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tạo chuyển biến về dịch vụ thương mại biên giới như logistics, thương mại biên giới chính ngạch và thương mại điện tử biên giới. Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, linh hoạt, Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong năm 2021 tỉnh hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch của năm và ba tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của Quảng Ninh tiếp tục đạt hơn 8%, là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 12 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa ước thực hiện đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm, động lực được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ và nhất là sau khi mở cửa hoàn toàn để đón khách, ngành du lịch Quảng Ninh đã có những dấu hiệu khởi sắc với lượng khách tăng dần tại các danh thắng và khu du lịch trên địa bàn.