Phóng viên: Thưa đồng chí, Bắc Giang là tỉnh trung du, miền núi không giàu tài nguyên khoáng sản, không có cảng biển, chưa có sân bay, nhưng tỉnh vẫn chọn phát triển công nghiệp là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ðồng chí có thể cho biết tại sao tỉnh đưa ra lựa chọn như vậy và những ngành công nghiệp mũi nhọn nào đang được chú trọng phát triển hiện nay?
Ðồng chí Dương Văn Thái: Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi mục tiêu, năm 2020 trong bối cảnh khó khăn chung, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 13,02%, đứng đầu cả nước. Quy mô GRDP năm 2020 đạt hơn 123,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2000. Tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 23,8%. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng từ 7% (năm 2000) lên hơn 47% (năm 2020), trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Có kết quả đó là do Bắc Giang đã phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế. Tỉnh thường xuyên quan tâm, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Những năm qua, nhiều khu, cụm công nghiệp, nhiều công trình giao thông quan trọng đã được đầu tư, hoàn thành như: Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn; ÐT293, đường vành đai IV kết nối với Bắc Ninh, Hà Nội, sân bay Nội Bài,… tạo động lực thu hút các dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Bằng chủ trương đúng đắn, sự tập trung, kiên trì, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, những năm gần đây tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả tích cực về thu hút đầu tư; trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ðến nay, tỉnh đã có hơn 1.800 dự án, tổng số vốn xấp xỉ 11 tỷ USD. Trong đó, từ năm 2016 đến nay, tỉnh thu hút hơn 900 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 7,2 tỷ USD. Liên tục những năm gần đây, Bắc Giang luôn ở trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI. Sáu khu công nghiệp có tổng diện tích 1.322 ha và 36 cụm công nghiệp với diện tích 1.258 ha cơ bản đã được lấp đầy. Nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, trở thành mắt xích quan trọng, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất sản phẩm cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Toyota, Honda. Công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Những năm tới, cùng với việc tiếp tục tập trung mở rộng quy mô, tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư. Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, xác định rõ quan điểm, mục tiêu phát triển công nghiệp thời gian tới. Bắc Giang hướng đến xây dựng "hệ sinh thái công nghiệp bền vững"; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí ưu tiên; tập trung phát triển một số ngành mũi nhọn, có tiềm năng như: điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, sản xuất pin năng lượng mặt trời, dệt may, cơ khí, chế biến nông sản.
Phóng viên: Trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, mục tiêu và chương trình hành động phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có những điều chỉnh gì? Những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương thời gian vừa qua sẽ được phát huy như thế nào trong các giải pháp đột phá, trọng tâm để công nghiệp thật sự trở thành trụ cột, động lực, thưa đồng chí?
Ðồng chí Dương Văn Thái: Vừa qua, dịch Covid-19 xâm nhập vào các khu công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất công nghiệp. Có thời điểm bốn khu công nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, mỗi ngày thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ðược sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và cả nước, cùng sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sau gần hai tháng tập trung toàn lực chống dịch, dịch bệnh đã được đẩy lùi. Cùng với chống dịch, tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để duy trì và phục hồi sản xuất. Ðến nay, cơ bản toàn bộ các doanh nghiệp ở trong và ngoài các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Ðặc biệt, một số doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động để tăng cường sản xuất bù đắp sản lượng thiếu hụt trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 đạt hơn 80% so với thời điểm trước dịch; từ tháng 8 ước tính quy mô giá trị sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm.
Bắc Giang quyết tâm giữ nguyên các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu chung, đồng thời xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Ðầu tiên là tập trung quyết liệt bằng mọi biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh bùng phát trở lại, nhất là không để dịch xâm nhập vào các khu công nghiệp. Quan điểm chung của tỉnh là "Sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất". Tỉnh chỉ đạo tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, với phương châm bốn an toàn: "Công nhân an toàn, giao thông an toàn, nhà trọ an toàn, doanh nghiệp an toàn".
Với mục tiêu bảo đảm đủ mặt bằng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tỉnh làm tốt công tác quy hoạch. Trong đó, coi trọng quy hoạch và đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ, hướng tới xây dựng mô hình "hệ sinh thái công nghiệp". Trong quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2030, tổng diện tích đất khu công nghiệp đạt hơn 7.000 ha, gấp hơn năm lần hiện nay; ngoài ra còn có khoảng 3.200 ha đất cụm công nghiệp.
Tỉnh yêu cầu các đơn vị tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp giai đoạn trước, đặc biệt là vấn đề thiếu chỗ ở cho công nhân. Bắc Giang quyết tâm phấn đấu đến năm 2030 ở trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân; đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở y tế, trường học, khu vui chơi, để nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, tạo lợi thế thu hút đầu tư.
Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư, tỉnh ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn lực, đóng góp nhiều cho ngân sách và có khả năng liên kết, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp trong nước. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng xúc tiến đầu tư "tại chỗ" thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hiện có phát triển và mở rộng sản xuất, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa thu hút các nhà đầu tư mới, tiềm năng. Tỉnh quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lợi thế so sánh bằng việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch, hỗ trợ, chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án và phát triển sản xuất trên địa bàn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
ĐỨC HUY, ÐẶNG GIANG