Hiểu được tâm lý lo lắng của phụ huynh cũng như không làm gián đoạn việc học tập do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải giãn cách, bằng nhiều cách khác nhau, các địa phương đã đưa ra các giải pháp để SGK đến tay học sinh sớm nhất.
Ða dạng các giải pháp
Ðiển hình như tại Trường tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cô giáo Bùi Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Giáo viên nhà trường đã chia ca để đến trường đóng gói giấy khen, phần thưởng và SGK cho học sinh. Mỗi túi sách được bọc kín kèm theo số điện thoại và địa chỉ nhà rồi được gửi qua các công ty vận chuyển. Khi nhận được sách, phụ huynh chụp lại, gửi vào nhóm zalo của lớp để thông báo, tránh trường hợp thất lạc. Tại Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhà trường thực hiện lấy ý kiến phụ huynh về phương thức vận chuyển SGK, trong đó có các phương án lựa chọn như: nhà trường liên hệ với UBND phường cử người hỗ trợ gửi sách đến tận nhà hoặc chuyển phát nhanh.
Không chỉ các trường chủ động giao sách đến tận nhà cho học sinh, nhiều nơi đã có những cách làm hay, sáng tạo. Bí thư Ðoàn phường Sài Ðồng (quận Long Biên, Hà Nội), Phi Thanh Quý chia sẻ: Ðoàn Thanh niên phường Sài Ðồng đã phối hợp các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn hỗ trợ vận chuyển SGK đến tận nhà cho học sinh. Các tình nguyện viên chia thành các nhóm để vận chuyển sách và đồ dùng học tập cho các gia đình có tên trong danh sách của nhà trường. Lực lượng này đều được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và trang bị đầy đủ đồ bảo hộ bảo đảm an toàn phòng dịch. Do lượng sách nhiều, phải mất nhiều ngày mới giao được hết nhưng ai nấy cũng đều phấn khởi khi SGK và đồ dùng học tập được đến tay học sinh trước ngày khai giảng năm học mới.
Ðể tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng, vận chuyển SGK, nhất là SGK lớp 1, 2, 6 theo chương trình giáo dục phổ thông đến tay học sinh trước khai giảng năm học mới, các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã tạo thuận lợi để vận chuyển, cung ứng SGK tới nhà trường, học sinh và phụ huynh để kịp chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Phạm Xuân Tiến cho biết, đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải thành phố, đề nghị tạo điều kiện để các xe vận chuyển SGK, dụng cụ học tập của các trường học trên địa bàn thành phố được lưu thông thuận lợi qua các chốt kiểm soát. Các trường học đăng ký danh sách phương tiện và thời gian hoạt động cụ thể với Sở Giao thông vận tải để được cấp mã xác nhận phương tiện phục vụ chuyển phát dụng cụ học tập tại các trường học.
Trước tình hình dịch bệnh ở Ðồng Tháp diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Ðồng Tháp đã quyết định về thời gian năm học 2021 -2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Ðồng Tháp thống nhất thời gian khai giảng năm học mới vào ngày 20/9, các hoạt động tựu trường chỉ được bắt đầu kể từ ngày 15/9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, đã chỉ đạo ngành giáo dục cũng như các địa phương, bên cạnh sửa chữa các phòng học, tập huấn đội ngũ giáo viên giảng dạy SGK mới, phải chuẩn bị đủ SGK để phụ huynh an tâm, học sinh có sách học ngay khi khai giảng năm học mới.
Vẫn phải "xoay" đủ cách
Hằng năm, nhu cầu số lượng SGK của học sinh cả nước khoảng hơn 110 triệu bản. Số lượng SGK cơ bản được cung ứng tới học sinh từ những ngày tựu trường đầu tháng 8. Dù các địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhưng khi năm học mới cận kề, nhiều nơi vẫn còn gặp khó khăn. Nhất là ở thời điểm này, nhiều trường đã tổ chức học trực tuyến, tuy nhiên sách lại chưa đến tay học sinh khiến nhiều phụ huynh chưa hình dung ra việc học sẽ diễn ra như thế nào. Chị Trần Thị Mai, phụ huynh có con năm nay vào lớp 3 Trường tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) băn khoăn: Mọi hoạt động kinh doanh của các nhà sách nằm trên phố Lý Thường Kiệt đã ngừng hoạt động do thực hiện giãn cách xã hội. Gọi điện thoại cho số điện thoại được dán trên bảng thông báo ở cửa hàng để liên hệ mua sắm SGK và đồ dùng học tập cho con mà máy bận suốt, không thể liên lạc được để mua sách. Chị Nguyễn Thu Trang, phụ huynh có con năm nay vào lớp 7 Trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Mặc dù gia đình đã chủ động đặt sách trực tuyến từ sớm nhưng đơn hàng hiện vẫn đang trong tình trạng chờ giao, hỏi ra thì nhà sách báo lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn hàng bị giao chậm hơn so với dự kiến.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đối với SGK theo chương trình hiện hành đã phát hành được hơn 94%; SGK theo chương trình mới phát hành được hơn 86% đến các địa phương chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Tuy nhiên, vấn đề vận chuyển SGK từ các địa phương đến tay học sinh ở nhiều nơi còn khó khăn. Trong khi chờ SGK được nhà sách hoặc trường gửi đến, nhiều phụ huynh đã tiếp cận phiên bản điện tử SGK, sách bài tập trên các trang thông tin của nhà xuất bản. Chị Phan Minh Thu, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 Trường tiểu học Việt Nam - Cuba (quận Ba Ðình, Hà Nội) cho biết: Thay vì chờ đợi nhà trường gửi sách, tôi đã lên mạng tải bản sách PDF để con được tiếp cận trước. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế vì xem bản PDF con không thể tương tác như sử dụng SGK bản giấy, do đó gia đình mong muốn con sớm nhận được bộ SGK bản giấy.
Không chỉ riêng Hà Nội, do tình hình dịch bệnh phức tạp, xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19, UBND tỉnh Ðồng Tháp đã quyết định lùi thời gian khai giảng năm học mới vào ngày 20/9, các hoạt động tựu trường chỉ được bắt đầu kể từ ngày 15/9. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 70% học sinh lớp 6 ở thành phố Cao Lãnh chưa có SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo thầy giáo Ngô Văn Trúc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (thành phố Cao Lãnh), hiện nay toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội đến hết ngày 5/9, cho nên Công ty Sách - Thiết bị giáo dục Ðồng Tháp vẫn chưa giao được sách đến cho nhà trường. Trước mắt, nhà trường sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh tải SGK trên mạng để xem trước. Tương tự, tại Trường tiểu học Tân Hội (thành phố Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp), nhà trường dự kiến sau khi hết giãn cách xã hội mới được nhận SGK và giao đủ số lượng cho học sinh.
Một giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Hiện có nhiều hình thức để phụ huynh có thể tiếp cận với SGK, trong đó có SGK bản điện tử. Tuy nhiên, đây là thách thức không nhỏ đối với những học sinh ở vùng khó khăn, nhất là học sinh tiểu học. Chưa kể vừa học trực tuyến, vừa đọc sách điện tử khiến trẻ phải tiếp xúc quá nhiều với màn hình. Vì vậy, bằng mọi cách, các nhà trường phải tìm giải pháp kịp thời để học sinh được tiếp cận bộ SGK bản giấy trước khi vào năm học. Vì tiểu học là lứa tuổi đặc thù, hằng ngày cần ôn lại kiến thức đã học, nếu không sẽ dẫn đến việc "trôi" kiến thức.
Vì vậy, để bảo đảm kiến thức cho học sinh, nhất là học sinh các lớp 1, 2, 6 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành giáo dục cùng các địa phương cần xây dựng phương án cụ thể, phối hợp các lực lượng chức năng nhằm có những giải pháp mang tính đồng bộ, bảo đảm kịp thời phát hành SGK đến giáo viên, học sinh. Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Mặc dù SGK đã được phát hành về các địa phương, tuy nhiên, việc vận chuyển SGK từ các nhà kho, công ty phát hành về huyện, xã, các nhà trường và phụ huynh, học sinh, giáo viên trước năm học mới đang gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng SGK tới nhà trường, học sinh và phụ huynh để kịp thời chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022 ■
Quỳnh Nguyễn - Hữu Nghĩa