Bốn ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 ghi nhận lượng khách du lịch tăng trở lại như thời kỳ trước dịch. Tuy lượng khách quốc tế còn hạn chế và chủ yếu là khách trong nước, nhưng đó là những tín hiệu vui, mở đầu cho một mùa du lịch hè sôi động.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, trong bốn ngày nghỉ lễ từ 30/4 đến 3/5, thành phố đã đón khoảng hơn 550 nghìn lượt khách, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có khoảng 2.000 khách quốc tế. Các điểm vui chơi tại Hà Nội đã đón hàng chục nghìn khách tham quan, tập trung vào địa điểm như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, không gian phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thiên đường Bảo Sơn, Công viên Thủ Lệ... Tổng doanh thu từ du lịch ước hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu từ các trung tâm thương mại dịch vụ và chủ yếu là khối dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đều tăng, ước đạt khoảng 40%, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong dịp này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi của nhân dân và du khách, trong đó có lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022 với nhiều sự kiện trình diễn nghệ thuật đường phố, trưng bày, triển lãm cùng hội chợ có 100 gian hàng giới thiệu các sản phẩm, tua du lịch khuyến mại mùa hè và dịp SEA Games 31 sắp tới bên cạnh các gian quà tặng lưu niệm là sản phẩm của các làng nghề Thủ đô. Theo Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, ngày cao điểm tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đón khoảng 50 đến 60 nghìn người, tăng gần ba lần so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Nhiều địa phương cũng ghi nhận lượng khách tăng đột biến ở các điểm đến như Sa Pa (Lào Cai), Hải Dương, Móng Cái (Quảng Ninh), Hải Phòng, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ... Tại Sa Pa, riêng trong hai ngày đầu nghỉ lễ đã đón khoảng 98.000 lượt khách tham quan, tăng 122% so với cùng kỳ năm 2019 (thời kỳ cao điểm trước dịch Covid-19) và tăng 755% so với năm 2020 và 225% so với năm 2021, tổng doanh thu từ khách du lịch ước tính đạt 295 tỷ đồng. Các di tích, danh lam thắng cảnh ở Hải Dương cũng đón lượng khách kỷ lục như Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc đón khoảng 20.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách du lịch tại các cơ sở lưu trú khu, điểm du lịch của Thanh Hóa cũng tăng đột biến dịp nghỉ lễ với hơn 577.000 lượt khách, tăng 85,6% so với năm 2021, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 123% so với năm 2021. Hàng chục nghìn du khách đổ về các bãi biển đẹp ở Thanh Hóa để tắm biển, nghỉ dưỡng, nhất là tại Sầm Sơn. Lực lượng Cảnh sát giao thông của thành phố Sầm Sơn đã huy động 100% quân số đứng chốt chặn tại các tuyến đường chính để phân luồng, hướng dẫn các phương tiện giao thông không để xảy ra tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường. Ghi nhận trong những ngày nghỉ lễ tại Sầm Sơn không xảy ra tình trạng chèn ép, tăng giá dịch vụ.
Tại Nghệ An, nhiều khách du lịch và nhân dân địa phương đã viếng thăm quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn để bày tỏ lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo thống kê sơ bộ, trong hai ngày nghỉ lễ đầu tiên, quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên đã đón khoảng hơn 40 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan. Để bảo đảm an toàn cho du khách, Ban quản lý khu di tích đã bố trí 100% cán bộ, nhân viên trực tại tất cả các điểm tham quan, hướng dẫn khách thực hiện việc ra, vào theo các lối đi riêng. Các khách sạn từ 3 đến 5 sao tại Cửa Lò trong những ngày này khá đông khách với mức công suất phòng sử dụng từ 70 đến 90%. Các điểm du lịch của Quảng Bình như: động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chảy-Hang Tối, khu vực lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Bố Trạch, sông Nhật Lệ và các điểm tham quan du lịch sinh thái cộng đồng cũng đón lượng lớn du khách, ước đạt 115.000 lượt khách. Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Bình, công suất phòng các cơ sở lưu trú ở Phong Nha-Kẻ Bàng đều đạt từ 95% trở lên.
Nhiều khách du lịch đã chọn Thừa Thiên Huế là điểm đến dịp này với khoảng 45.000 lượt khách. Cao điểm là hai ngày 30/4 và 1/5 khi các khách sạn 3 đến 5 sao gần như kín phòng, ước đạt 28.000 lượt với gần 650 khách quốc tế. Theo Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, tổng lượng khách tham quan, du lịch thành phố trong bốn ngày nghỉ lễ vừa qua ước đạt hơn 254 nghìn lượt khách, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khách du lịch trong nước đạt khoảng 246,6 nghìn lượt khách, tăng hơn 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế đạt khoảng 7,4 nghìn lượt khách, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2021. Một số khu điểm ước đạt lượng khách cao trong cả kỳ nghỉ lễ là: Sun World Bà Nà Hills đón khoảng 50.000 khách, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón khoảng 25.000 khách, Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 13.000 khách... Khách đường thủy nội địa ước đạt 7.000 lượt khách. Công suất phòng khối 4-5 sao ước đạt hơn 70%, trong đó khách sạn ven biển đạt hơn 90%, khách sạn ở khu vực trung tâm công suất khoảng 40-50%. Trong ba ngày nghỉ lễ, tuy có ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều, nhưng đã có 284.000 lượt khách đến nghỉ dưỡng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, đông nhất là vào ngày 2/5 ước đón khoảng 91.000 lượt khách.
Lượng khách du lịch tăng trở lại trong dịp nghỉ lễ vừa qua là điều đáng phấn khởi với những người làm du lịch. Lý giải lượng khách tăng đột biến vừa qua ở các trung tâm du lịch trong cả nước, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng đó là hệ quả tất yếu của việc dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, góp phần đưa hoạt động du lịch trở lại trong tình hình bình thường mới, thích ứng an toàn. Theo Tổng Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, việc lượng khách tăng trở lại trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có một phần nguyên nhân từ tâm lý và nhu cầu du lịch của người dân sau thời gian dài gián đoạn và sự đầu tư, chuẩn bị của các doanh nghiệp du lịch, đồng thời thể hiện sự tin tưởng của du khách với các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho khách. Sau những đợt dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong thích ứng an toàn, linh hoạt, duy trì tốt hoạt động truyền thống, quảng bá trực tuyến và trước đó đã triển khai thành công các hoạt động tái khởi động du lịch trong cả nước, nhất là việc mở lại các đường bay trong nước cũng như quốc tế. Nhiều doanh nghiệp và các địa phương đã có sự chuẩn bị và chú trọng đầu tư, làm mới sản phẩm du lịch thể hiện qua hàng loạt tua, tuyến du lịch mới cùng nhiều sự kiện lễ hội, biểu diễn nghệ thuật thu hút khách. Giá tua du lịch trong dịp nghỉ lễ tuy có mức tăng nhẹ so với ngày thường do giá vé máy bay, xe vận chuyển và khách sạn tăng, song đều ở mức chấp nhận được.
Việc lượng khách tăng trở lại kỳ nghỉ lễ vừa qua là những tín hiệu đáng mừng, khởi động cho mùa du lịch hè để từng bước khôi phục và phát triển du lịch trong năm nay. Theo dự báo, do dịch Covid-19, lượng khách quốc tế có thể còn hạn chế, nhưng du lịch trong nước sẽ phục hồi và có mức tăng trưởng cao. Điều này cho thấy ngành du lịch cần triển khai mạnh mẽ các chương trình phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá tại chỗ và trên các nền tảng số, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương để có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách trong nước và quốc tế.