Nằm ở phía bắc khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh là ba địa phương tiếp giáp hội tụ đa dạng các loại địa hình đồi núi, trung du, đồng bằng cùng nhiều hang động, thác nước đẹp và hệ thống bãi biển trong xanh trải dài như: Sầm Sơn, Hải Tiến (Thanh Hóa), Quỳnh Nghĩa, Cửa Hội, Cửa Lò (Nghệ An); Thiên Cầm, Xuân Thành, Lộc Hà (Hà Tĩnh)…
Đây là vùng đất sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, phù hợp để phát triển những loại hình du lịch sinh thái cộng đồng như Pù Luông, Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa); bản Nưa, bản Xiềng, Cọ Muồng, Hoa Tiến (Nghệ An); Vườn quốc gia Vũ Quang, Khu sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim, hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh)…
Vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh còn là nơi hội tụ của nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa đậm nét như: thành nhà Hồ, khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa); khu di tích Kim Liên, khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (Nghệ An); khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Cùng với đó là sức hấp dẫn của những lễ hội địa phương, điệu hò sông Mã, điệu dân ca ví giặm, những món ẩm thực đặc trưng…
Đây chính là những tiềm năng dồi dào để ba tỉnh liên kết cùng phát triển những sản phẩm thế mạnh như du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng biển… Với sự hiện diện của hai sân bay: quốc nội Thọ Xuân (Thanh Hóa) và quốc tế Vinh (Nghệ An) cùng nhiều đường bay kết nối tới các trung tâm du lịch lớn của cả nước, ba tỉnh càng có nhiều thuận lợi để hợp tác cùng khai thác thị trường khách, giúp gia tăng trải nghiệm của du khách ở nhiều điểm đến trong hành trình du lịch.
Tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch “Ba địa phương một điểm đến, nhiều trải nghiệm” vừa được ngành du lịch ba tỉnh phối hợp tổ chức tại Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đã mở cửa toàn diện, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế bảo đảm tiêu chí an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Công tác tái đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và làm mới, hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như đào tạo, thu hút nguồn nhân lực sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch đang được triển khai mạnh mẽ. Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, mức độ an toàn dịch vụ cũng thường xuyên được tiến hành. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Lê Trần Sáng chia sẻ:
Trong hành trình liên kết điểm đến, ba tỉnh hướng đến thu hút, đón du khách đến từ các thị trường xa như Hà Nội, các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long… Địa phương nào có thế mạnh gì sẽ được đưa ra kết nối để du khách được trải nghiệm đầy đủ các sản phẩm du lịch chất lượng nhất với quan điểm không trùng lặp.
Ba tỉnh đang đẩy mạnh liên kết trong triển khai các tour du lịch trải nghiệm di sản văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng biển, kết nối các điểm đến Thành nhà Hồ/khu di tích Lam Kinh/khu du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) với đền Cờn/đền Hoàng Mười/khu di tích Kim Liên/khu du lịch biển Cửa Lò (Nghệ An) và khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du/chùa Hương Tích/khu du lịch biển Thiên Cầm/ khu du lịch biển Xuân Thành (Hà Tĩnh).
Bên cạnh đó là các tour du lịch về nguồn kết hợp khám phá du lịch sinh thái, cộng đồng, mạo hiểm, với hành trình Du lịch cộng đồng Pù Luông/Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa) kết nối Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn/nghĩa trang quốc tế Việt Lào/Vườn quốc gia Pù Mát/du lịch cộng đồng Con Cuông/chinh phục đỉnh Puxailaileng (Nghệ An) và khu di tích Ngã ba Đồng Lộc/khu di tích lịch sử Hải Thượng Lãn Ông (Hà Tĩnh).
Tour caravan theo đường Hồ Chí Minh nhánh đông và nhánh tây qua ba tỉnh cũng được chú trọng khai thác với sự liên kết các điểm đến: Suối cá thần Cẩm Lương/Pù Luông/Lam Kinh/thành Nhà Hồ/Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa)-cánh đồng hoa hướng dương/thung lũng hoa Phủ Quỳ/Trương Gia Trang/điểm tham quan du lịch Hòn Mát/đảo chè Thanh Chương (Nghệ An)-quần thể di tích đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác/khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú-Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng/khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Vương Thị Hải Yến cho hay: Dù cùng khai thác những loại hình du lịch giống nhau nhưng mỗi điểm đến ở các tỉnh đều có những đặc trưng, mang đến trải nghiệm khác nhau nên sự liên kết giữa ba tỉnh sẽ giúp chọn ra những cung đường phù hợp, những tuyến du lịch chất lượng. Với những thông điệp hấp dẫn như “Du lịch Thanh Hóa-Hương sắc bốn mùa”, “Du lịch Nghệ An: Về miền ví giặm-Xứ Nghệ ân tình”, “Du lịch Hà Tĩnh: Về Hà Tĩnh người ơi”, mỗi tỉnh đã lên kế hoạch triển khai hàng chục sự kiện đặc sắc cùng chương trình kích cầu hấp dẫn để thu hút, đón đầu lượng du khách dự kiến sẽ tăng mạnh giai đoạn cao điểm du lịch hè sắp tới.
Đánh giá về sự bắt tay hợp tác phát triển du lịch của ba tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Vũ Thế Bình nhận định: Nếu có sự quyết tâm đầu tư liên kết, vùng đất Thanh-Nghệ-Tĩnh với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Từ bài học về sự thay da đổi thịt của Sầm Sơn đã trở thành động lực thúc đẩy du lịch Thanh Hóa phát triển, có thể nhận thấy mỗi tỉnh cần xác định được điểm nhấn để đầu tư, góp phần đẩy các sản phẩm, hạng mục khác phát triển theo, nếu đầu tư dàn đều sẽ khó phát triển nhanh được. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng lưu ý, đại dịch Covid-19 đã làm du khách thay đổi thói quen du lịch theo hướng đi theo nhóm nhỏ và ngắn ngày hơn, vì thế đòi hỏi trải nghiệm phải sâu hơn.
Dựa trên tài nguyên thiên nhiên sẵn có, các tỉnh cần khai thác có chiều sâu các sản phẩm du lịch kết hợp với thế mạnh về di sản, ẩm thực, văn hóa bản địa các dân tộc, có sự kết hợp cả yếu tố truyền thống và hiện đại trong xây dựng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vừa được tham quan, nghỉ dưỡng, vừa được vui chơi và khám phá thêm những giá trị mới khi đến đây du lịch.
TRANG ANH