Khuyến khích đi bộ
Theo Ban ATGT thành phố, tình hình tai nạn giao thông (TNGT), trật tự giao thông trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua hết sức phức tạp. Trong đó, TNGT đối với người đi bộ là tương đối cao, đáng báo động. Cụ thể, trong năm 2015 có 96 vụ TNGT, làm 83 người chết, chiếm 12,4%. Trong đó, người đi bộ tự gây ra tai nạn là 59 vụ, làm 50 người chết và 15 người bị thương. Năm 2016, tình trạng TNGT đối với người đi bộ có giảm với 89 vụ, 71 người chết. Từ thực tế này, Ban ATGT thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố và Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) đã phối hợp xây dựng chương trình “Đi bộ an toàn 2016-2020”. Từ đó, tạo nên một môi trường đi bộ an toàn cho trẻ em và cộng đồng, bắt đầu từ những khu vực hành lang sẽ có tuyến đường xe buýt nhanh đi qua…
Qua thí điểm tại quận 9 vừa qua, chương trình “Đi bộ an toàn 2016-2020” đã được họp bàn để lên kế hoạch triển khai tại hội thảo định hướng chương trình đi bộ an toàn 2016-2020, được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3 vừa qua. Theo kế hoạch, có 45 nghìn học sinh và giáo viên tại 37 trường tiểu học, THCS thuộc địa bàn quận 1, quận 5 và quận 6 tham gia chương trình. Đây là những trường sẽ có tuyến xe buýt nhanh chạy qua. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn hướng đến việc tuyên truyền, vận động sự tham gia của phụ huynh học sinh, các cơ quan ban, ngành có liên quan thuộc thành phố, cùng cộng đồng dân cư thuộc các địa bàn nêu trên. Trong khuôn khổ của chương trình “Đi bộ an toàn 2016-2020”, hàng loạt hoạt động hữu ích cũng được tổ chức như: “Tháng quốc tế đi bộ đến trường”, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn cho người đi bộ, lợi ích đem lại sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường; xây dựng “Chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng toàn diện” gắn với kế hoạch truyền thông vận động sử dụng tuyến buýt nhanh (BRT) của thành phố; tổ chức sự kiện hưởng ứng “Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 4” với chủ đề “Hạn chế tốc độ” nhằm bảo đảm an toàn cho người đi bộ khi lưu thông trên đường; áp dụng cẩm nang Mô hình trường học an toàn… Đáng chú ý, trong tháng 3 này, dự án “Những tấm ảnh biết nói” sẽ được triển khai tại chín trường THCS trên địa bàn quận 1, quận 5 và quận 6, góp phần tuyên truyền cho 15 nghìn học sinh tại các đơn vị này. Đồng thời, dự án “Hành trình đi bộ an toàn” cũng sẽ được thực hiện nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, thiết bị, tài liệu đi bộ an toàn cho 30 nghìn học sinh tiểu học thuộc địa bàn các quận nêu trên.
Vận động phụ huynh, học sinh đi bộ
Đây là vấn đề mà Ban ATGT thành phố cần quan tâm nhiều hơn, liên quan đến trẻ em. Quyết tâm thực hiện chương trình này, từ năm 2014 đến 2016, Ban ATGT thành phố, Sở GD-ĐT, Quỹ phòng chống thương vong châu Á, Sở Giao thông vận tải thành phố và UBND quận 9 đã cùng với các ngành chức năng tổ chức thực hiện thí điểm và thành công bước đầu thông qua “Mô hình trường học an toàn” ở hai trường, tại quận 9. Việc chọn 37 trường trên địa bàn quận 1, quận 5 và quận 6 để tiếp tục thực hiện thí điểm là sự tiếp nối kết quả bước đầu đã đạt được này. Đây cũng là những đơn vị có điều kiện tương đối thuận lợi. Điểm thuận lợi nữa là việc thành phố đang quyết liệt lập lại trật tự lòng lề đường, quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Phó Ban ATGT thành phố Nguyễn Ngọc Tường nhấn mạnh: “Khi đi vào thực hiện thí điểm, cần vận động phụ huynh học sinh dẫn con em đi bộ đến trường trong một vài tuần để các em quen dần. Đương nhiên, học sinh sẽ được hướng dẫn, giáo dục về kỹ năng đi bộ an toàn một cách kỹ lưỡng”. Đồng thời, lực lượng chức năng cần củng cố hạ tầng giao thông như bố trí đèn tín hiệu, vạch sơn, kẻ vạch qua đường, hướng dẫn tổ chức giao thông… nhằm bảo đảm môi trường lưu thông an toàn bộ hành. Ban ATGT thành phố cũng đề xuất Sở GD-ĐT thành phố chú trọng tuyên truyền vận động giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia chương trình. Đồng thời, đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông đường sắt, đường bộ thành phố (PC67) trực tiếp xử lý các vi phạm trật tự lòng lề đường ở địa bàn các quận thực hiện thí điểm, nhằm bảo đảm an toàn cho người đi bộ.