Trữ nước ngọt trên sông, rạch cứu lúa
Dự án thủy lợi Nam Măng Thít, thuộc dự án phát triển thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long với tổng vốn hơn 1.200 tỷ đồng được thực hiện tại hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, trong đó, 80% hạng mục công trình tại tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu của dự án là kiểm soát mặn, tiếp ngọt, tiêu úng, xổ phèn, cấp nước sinh hoạt kết hợp khai thác nguồn lợi thủy sản và phát triển giao thông, cải tạo môi sinh, môi trường. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền nam, để tiếp tục khai thác hiệu quả các công trình thuộc dự án thủy lợi Nam Măng Thít, tỉnh Trà Vinh cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống từ công trình đầu mối đến nội đồng, bao gồm hệ thống kênh dẫn và các công trình kiểm soát, điều tiết chất lượng nguồn nước, tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tận dụng tối đa và khai thác hiệu quả các nguồn nước tự nhiên để sản xuất. Từ đó tỉnh Trà Vinh đã quy hoạch vùng trồng lúa cao sản xuất khẩu ở những vùng hoàn toàn chủ động nguồn nước với diện tích 50.000 ha. Trong đó, hiệu quả từ các công trình cống thủy lợi Láng Thé, Cái Hóp thuộc dự án Nam Măng Thít đã giúp cho huyện Càng Long có định hướng rõ hơn về quy hoạch các tiểu vùng sản xuất.
Trước thực trạng các vùng trọng điểm lúa của tỉnh Trà Vinh, một phần tỉnh Vĩnh Long bị nước mặn bao vây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình nạo vét kênh Mai Phốp, Ngã Hậu với tổng vốn hơn 436 tỷ đồng, có khả năng cấp nước bổ sung cho khoảng 30.000 ha lúa, tăng cường khả năng tiêu úng, rửa phèn cho 160.680 ha đất tự nhiên của Trà Vinh. Các hạng mục công trình được thực hiện từ sông Vũng Liêm theo tuyến kênh Mai Phốp, Sà Ðồn, Mây Tức, Ngã Hậu đến kênh Trà Ngoa dài 24,3 km; khối lượng đất đào 1.021.000 m3, đất đắp 630.000 m3, bê-tông các loại 7.059 m3…
Theo dự báo của cơ quan khí tượng - thủy văn, năm 2021, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt khoảng 30 - 40% và tổng lượng dòng chảy có khả năng thiếu hụt 20 - 35% so trung bình nhiều năm. Lũ về đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020 - 2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức nghiêm trọng. Ứng phó tình hình đó, ông Lê Phước Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, cho biết: Công ty sẽ vận hành linh hoạt hệ thống cống ngăn mặn phía ven sông Cổ Chiên, sông Hậu, kết hợp tăng cường đưa nước ngọt từ phía tỉnh Vĩnh Long (gồm nguồn nước phía nam sông Măng Thít, cống Vũng Liêm, các kênh Trà Ngoa, Mai Phốp - Ngã Hậu, Cái Cá - Mây Tức) ra phía huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú. Khi đo độ mặn ở mức 01‰, đóng triệt các cống thủy lợi đầu mối, tranh thủ mở cửa lấy nước vào khi độ mặn giảm ở mức dưới 01‰ để tích trữ nước ngọt trên các con sông lớn như Cần Chông, Ðức Mỹ và hệ thống kênh, rạch, trong nội đồng đạt cao trình 0,5 m, đủ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa.
Hiệu quả mô hình thủy lợi nhỏ, sản xuất tiết kiệm nước
Cầu Ngang là huyện tiếp giáp biển của Trà Vinh, khắc nghiệt về nước tưới. Theo ông Nguyễn Ðức Mậu, Phó Chủ tịch UBND huyện, những năm qua, Cầu Ngang rất quan tâm phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phục vụ nhu cầu nước tưới nông nghiệp. Năm 2016, UBND huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hồ trữ nước Long Sơn có diện tích 1,1 ha, dung tích 26.500 m3 tại ấp Huyền Ðức, xã Long Sơn với kinh phí ba tỷ đồng, có khả năng cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 28 ha chuyên canh màu.
Ông Huỳnh Văn Nghĩa, Trưởng ban nhân dân ấp Huyền Ðức, cho biết: Mùa khô năm 2019 - 2020, Ban Ðiều phối dự án AMD Trà Vinh, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ thực hiện thí điểm mô hình sử dụng năng lượng mặt trời hòa lưới công suất 1,3 kW phục vụ mô hình tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước trên 0,3 ha đậu phộng và hỗ trợ Tổ hợp tác sản xuất Thành Công hoàn thiện hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tiết kiệm nước từ hồ trữ nước Long Sơn để phục vụ trồng màu, gồm điện năng lượng mặt trời hòa lưới, máy bơm, đường ống chính, ống rẽ đến đồng hồ nước, nhà bao che, thiết bị điều khiển. Mô hình phát huy hiệu quả trên đất giồng cát ở ấp Huyền Ðức, loại đất có đặc tính tơi xốp, không ngập úng trong mùa mưa, có lợi thế chuyên canh các loại rau màu nhưng lại nghèo dinh dưỡng, giữ nước, giữ phân kém.
Theo ông Lê Quốc Hùng, thành viên Tổ hợp tác sản xuất Thành Công của ấp Huyền Ðức, trước đây, 0,5 ha đất giồng cát chuyên màu của gia đình ông thiếu nước tưới trong mùa khô. Khi nắng nóng kéo dài, hạn mặn gay gắt, nước ngọt phục vụ tưới tiêu được ví "như vàng". Nhờ sử dụng nguồn nước từ hồ trữ nước Long Sơn và áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước, cuối tháng 12-2020, sản lượng đậu phộng của gia đình ông Hùng đạt bốn tấn, với giá bán 15.000 đồng/kg. Ông Hùng tiếp tục áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt trên 0,5 ha đậu phộng vừa xuống giống, tận dụng nguồn phụ phẩm từ cây đậu phộng, rau màu làm thức ăn cho đàn bò sinh sản để tăng thu nhập.
Sau đợt khảo sát thực tế tình hình ứng phó hạn, mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 tại hồ trữ nước Long Sơn, lãnh đạo huyện Cầu Ngang khẳng định, việc xây hồ trữ nước Long Sơn là phù hợp điều kiện thực tế vùng đất giồng cát, gò cao. Từ hiệu quả mô hình hồ trữ nước Long Sơn, huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư xây hồ trữ nước quy mô nông hộ, tổ hợp tác, HTX để chủ động nguồn nước trong sản xuất trước hình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Tại huyện Tiểu Cần, một địa phương sớm giải quyết được bài toán thiếu nước sản xuất, ông Bùi Trường An, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần, hồ hởi giới thiệu về công trình thủy lợi nhỏ kênh bê-tông nổi Cầu Tre, ấp Cầu Tre của xã đưa vào sử dụng năm 2007. Công trình gồm trục kênh chính dài 1,6 km, 18 kênh nhánh dài 6,7 km, cung cấp nước tưới cho 110 ha lúa của HTX nông nghiệp Phú Cần. Hơn 10 năm qua, trạm bơm điện Phú Cần với công suất 300 m³/giờ luôn bảo đảm chất lượng nước ngọt phục vụ sản xuất lúa khu vực kênh bê-tông nổi Cầu Tre. Qua hai đợt hạn, mặn cực đoan trong các mùa khô 2015 - 2016, 2019 - 2020, tất cả diện tích lúa đông xuân của 135 hộ dân trong khu vực luôn bảo đảm đủ nước ngọt sản xuất, năng suất đạt bảy tấn/ha.
Như vậy, khi giải quyết được bài toán khó về nước, những cánh đồng luôn hứa hẹn mùa vàng no ấm.