Tìm giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững

NDO -

Ngày 10/9, Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp một số đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tổ chức hội thảo quốc gia “Phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á”.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên cả nước.

Theo PGS, TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, hội thảo nhằm trao đổi và thảo luận về những chủ đề liên quan tới chuỗi giá trị nông sản, nông nghiệp bền vững; chính sách thương mại hàng nông sản; những khủng hoảng trong dài hạn và ngắn hạn thách thức phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Các vấn đề được đề cập là những vấn đề thời sự, liên quan mật thiết đến bối cảnh thực tế hiện nay, đặc biệt là những vấn đề về phát triển nông nghiệp bền vững; ứng phó khủng hoảng trong dài hạn và ngắn hạn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đại dịch Covid-19… đang được quan tâm, cần nhiều khuyến nghị chính sách đối với các nhà quản lý.

Đánh giá Việt Nam có những tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp cần đưa vào hỗ trợ, khai thác để phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững, TS Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho biết, quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%; tỷ trọng nông sản chế biến trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu đạt 50% - 60%; tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trên GDP ngành nông nghiệp đạt khoảng 20% - 25%; kinh tế số trong nông nghiệp đạt khoảng 20% - 25% GDP nông nghiệp…

Ngoài ra, đến năm 2030, xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao…

Trong khi đó, đánh giá về thách thức và cơ hội đối với hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam bền vững, PGS, TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng dịch Covid-19 đã tác động đến các chuỗi giá trị thực phẩm như: Làm đứt gãy chuỗi giá trị; gây nên tình trạng thiếu dịch vụ hậu cần (logistics); tình trạng không có việc làm, lao động di cư; gia tăng chi phí sản xuất và thái độ tiêu dùng có sự thay đổi…

Vì vậy, để bảo đảm các chuỗi giá trị thực phẩm cần tăng cường kết nội thông tin và điều phối chuỗi giá trị; tăng cường áp dụng an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Quá trình phát triển chuỗi giá trị thực phẩm cần minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc; đa dạng kênh phân phối, thương mại điện tử…

Cũng tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học đã chia sẻ, phân tích về các chính sách và thực tiễn các vấn đề đặt ra trong phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á. Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong thương mại nông sản. Chuỗi giá trị và an ninh lương thực trong góc nhìn từ vai trò của ngành lâm nghiệp và đóng góp từ rừng trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Nam Á và toàn cầu. Những khuyến nghị chính sách phát triển nông nghiệp bền vững chống chịu biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.