Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Buổi làm việc nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trường kinh tế.
Vì vậy, ông Chinh đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung trao đổi, phân tích xu hướng, cũng như chia sẻ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa
Tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời, cần có những chính sách và giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân, để người dân có thể mạnh tay chi tiêu, mua sắm.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường còn chưa thuận lợi, Chính phủ và các bộ, ngành cần duy trì các chính sách vĩ mô ổn định, kéo dài độ trễ của chính sách, chờ khi cộng đồng doanh nghiệp vượt qua được khó khăn rồi thì mới điều chỉnh chính sách.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) Hà Ngọc Sơn đề xuất một số giải pháp tại buổi làm việc |
Theo dự thảo Đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước” (do Bộ Công thương làm đầu mối soạn thảo), để kích thích cầu tiêu dùng, từng bước phục hồi thị trường trong nước trong thời gian đến cuối năm 2024 và các năm tiếp theo, cần triển khai hiệu quả hai nhóm giải pháp cơ bản.
Giải pháp trước mắt, cấp bách là nghiên cứu, đề xuất các chương trình phát voucher mua hàng; giảm giá để xả hàng tồn kho; chương trình bán hàng bình ổn giá; chương trình hàng Tết...
Thúc đẩy tiêu dùng để phục hồi tăng trưởng
Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất các chương trình tín dụng, cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp, ưu đãi.
Về dài hạn, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về phát triển thương mại trong nước (các chính sách tập trung vào giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân).
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng bán lẻ, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics, vận chuyển và bảo quản, dịch vụ thanh toán. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam; đa dạng hóa các chủ thể kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường bán lẻ. Tăng cường quản lý nhà nước và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng…