Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tạo điều kiện của Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương, năm 2021, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã bám sát Chỉ thị số 03, triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, thực tế dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài và sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.
Trong quá trình hội nhập sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn, trong khi đó quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh, sức cạnh tranh không cao...
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị thế giới xuất hiện nhiều biến động bất ổn cho sự hồi phục kinh tế đất nước sau đại dịch. Tình hình đó đang đặt lên vai các doanh nghiệp trách nhiệm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước….
Tại hội thảo, các chuyên gia, bộ, ngành, các doanh nghiệp, nhà phân phối đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, đề xuất và đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động cụ thể để động viên, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo đó, có ý kiến nhấn mạnh: Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình đang được nhận ưu đãi thấp, dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và hộ gia đình. Đồng thời, Chính phủ nên cân nhắc áp dụng các ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI khi đầu tư công nghệ cao hoặc có cam kết chuyển giao công nghệ. Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ kỹ thuật, đồng thời có thêm ưu đãi doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI thật sự đổi mới, sáng tạo, giải quyết vấn đề lao động tốt.
Có đại biểu đề xuất, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách trong hỗ trợ phát triển hạ tầng, hệ thống phân phối, đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, các doanh nghiệp chế biến, logistics, trong đó các cơ chế phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để kích thích tiêu dùng của giới trẻ. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng, từ đó có định hướng, hoạch định các cơ chế chính sách hoạch định phát triển vùng, tránh được tình trạng mất cân đối…
Đối với các doanh nghiệp, có đại biểu đề nghị cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường nội địa, tránh biến động giá. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm cho người dân, đẩy mạnh tiếp cận vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng và tiện lợi nhất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao đến người tiêu dùng, cung cấp những thông tin chính xác về thành phần, chức năng, công dụng,... của sản phẩm. Đồng thời, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp tục có giải pháp tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ hơn việc quảng cáo, các sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng xã hội phải được cấp phép, đăng ký thương hiệu, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng hàng Việt Nam.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những chia sẻ, kiến nghị tâm huyết là cơ sở quan trọng, giúp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định và phát triển. Bà đề nghị, các ban, đơn vị liên quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiêm túc tiếp thu, hoàn thành báo cáo, tài liệu, làm căn cứ để đề xuất những giải pháp giúp thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới hiệu quả hơn, để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, cũng là góp phần khẳng định các thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong xu thế hội nhập ngày càng sâu hơn.