Tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách

Ngay trong năm đầu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đã phải đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và trong nước. Ðó là kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân. Ðặc biệt, dịch Covid-19 kéo dài, phức tạp đã gây hậu quả nặng nề, tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội nước ta...

Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)

Vấn đề cấp bách đã và đang đặt ra hằng ngày, hằng giờ trong thời điểm hiện nay là  để thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế - xã hội như đã đề ra, cần bảo đảm tốt nguồn lực lâu dài cho công tác phòng, chống đại dịch. Trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, phải huy động các nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp vào quỹ vắc-xin thì cả nước cần đặc biệt tập trung thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng để tích lũy nguồn lực.

Hiện tượng lãng phí, xem nhẹ thực hành tiết kiệm vẫn còn khá phổ biến ở nhiều địa phương, đơn vị, bộ, ngành, nhất là trong quá trình triển khai  những công trình, dự án, công việc được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Dường như, chúng ta còn để lãng phí diễn ra công khai trong nhiều lĩnh vực quan trọng mà đáng lẽ ra có thể tiết kiệm hiệu quả,  như: lãng phí biên chế vì bộ máy hành chính cồng kềnh; lãng phí do các thủ tục hành chính rườm rà; lãng phí do một bộ phận cán bộ thiếu năng lực, trách nhiệm; lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công...

Mặc dù chủ trương của Ðảng khẳng định chống cả tham nhũng và lãng phí, nhưng nhiều người đứng đầu vẫn xem nhẹ tính chất nguy hại của hành vi lãng phí, chỉ coi  như là hạn chế, khuyết điểm. Chính vì vậy, hành vi  lãng phí vẫn còn đất để “dung dưỡng” và âm thầm gây thiệt hại nặng nề cho đất nước. Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, chúng ta cần mạnh mẽ, kiên quyết, có chế tài mạnh để xử lý và phòng, chống lãng phí một cách hiệu quả. Từ đây, sẽ có thêm nguồn lực để phòng, chống đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Ðể thật sự làm được điều đó, các bộ, ngành chức năng cần cương quyết cắt giảm nhiều hơn nữa các thủ tục hành chính, giảm trung gian, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ trong chỉ đạo, điều hành. Ðối với các dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài từ nhiều năm trước, cần kiên quyết  xử lý theo hướng: Khẩn trương định giá đúng, giải quyết dứt điểm, đúng luật... để Nhà nước không mất thêm tiền vào các dự án kém hiệu quả. Một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm là  tiếp tục xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có những hành vi, việc làm gây thất thoát tài sản công; tham nhũng, lãng phí khi triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, ngành, địa phương, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Các địa phương, đơn vị thực hiện tiết kiệm cần nghiêm túc, thực chất, trong đó phải giảm bớt, tiến tới loại bỏ những lễ phát động, tuyên truyền hoành tráng, rầm rộ, hình thức mà phải thông qua việc xây dựng kế hoạch cụ thể, với các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực; đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm việc công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.