Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành Tư pháp cần cố gắng hơn nữa để tìm ra giải pháp thực hiện, tháo gỡ vướng mắc đang gặp phải; trong đó lưu ý xây dựng thể chế phải kịp thời, có chất lượng để hạn chế tình trạng sửa luật; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 34/2016/NĐ-CP; sửa đổi, điều chỉnh lại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và năm 2025; kịp thời, chính xác trong công tác thẩm định các dự thảo, dự án Luật trình Chính phủ.
Cùng với đó, cũng cần nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ, ngành Tư pháp cần làm tốt công tác phối hợp các bộ, ngành, các ủy ban của Quốc hội, các địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, có chế độ phù hợp cho cán bộ làm công tác luật quốc tế bởi đây là lĩnh vực khó và nhạy cảm.
Tại hội nghị Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm trong toàn Ngành.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ, ngành Tư pháp sẽ quyết tâm nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu, giúp Chính phủ, Quốc hội thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và đưa các chủ trương, chính sách này đi vào cuộc sống; tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy ngành tư pháp tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Theo báo cáo, năm 2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 44 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 237 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 543 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương đã thẩm định hơn 7.000 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đáng chú ý, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý đều tăng, nhưng kết quả thi hành án dân sự năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.
Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Đặc biệt, ngành Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ...
Để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao, trong năm 2024, toàn ngành Tư pháp tập trung nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị gồm Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và các Thứ trưởng Tư pháp. |
Trong đó, kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Ngành Tư pháp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng...
Những nhiệm vụ lớn trong năm mới cũng được Bộ Tư pháp đề cập, đó là: tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Ngành cũng sẽ tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong đó chú trọng hiệu quả hợp tác với các đối tác láng giềng, truyền thống và hữu nghị; thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.
Trong năm 2023, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 5 Nghị quyết; xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật.
Các địa phương đã ban hành gần 3.800 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, hơn 2.600 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và hơn 1.700 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã.
(Theo số liệu báo cáo của Bộ Tư pháp)