Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri, đồng thời nêu rõ: trước bối cảnh tình hình đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng linh hoạt hơn để vừa quản lý hiệu quả, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp về chính sách, pháp luật, thể chế, từ đó tạo động lực và đáp ứng cao nhất yêu cầu phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo các cấp, ngành, các cơ quan Quốc hội, lãnh đạo địa phương nghiêm túc tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của cử tri, nhân dân trên các lĩnh vực, để điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, trên tinh thần “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Tại các điểm thực hiện tiếp xúc cử tri ngày hôm nay, trả lời những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng Trung ương giao cho địa phương làm, địa phương quyết định và địa phương chịu trách nhiệm trên cơ sở quy định của luật pháp để vận dụng như thế nào cho phù hợp, bảo đảm điều kiện phát triển của địa phương.
“Chúng ta phải kịp thời phát hiện để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh, nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Việc gì xã làm được là làm ngay, huyện làm được là làm ngay, tỉnh làm được cũng làm ngay, không trông chờ vào Trung ương. Đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo rất mới” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Đề cập Trung ương đã thành lập các Tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Hậu cần phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; các địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp sẽ diễn ra vào năm sau, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Chúng ta đang tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới, trong đó có nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng để phát huy những thành tựu đạt được, thấy rõ tồn tại, hạn chế, yếu kém cũng như nguyên nhân để khắc phục, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể để thúc đẩy sự phát triển chung; trong đó có tỉnh Hậu Giang và các địa phương khác trong cả nước.
Tại cuộc làm việc chiều nay, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã thông tin tới cử tri về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; thông báo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7.
Cử tri tham gia phát biểu ý kiến, kiến nghị tại cuộc tiếp xúc cử tri. (Ảnh: PHÙNG DŨNG) |
Tại buổi tiếp xúc, Đoàn ghi nhận 16 lượt ý kiến của cử tri. Nội dung kiến nghị liên quan nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, như: chính sách bảo hiểm y tế, công tác khám chữa bệnh; giáo dục; vốn hỗ trợ sản xuất; chế độ chính sách tiền lương; liên quan đến hoạt động công đoàn; xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Việc làm, Luật Công đoàn…
Cử tri kiến nghị cần có cơ chế về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn, để có thể thu hút đội ngũ cán bộ công đoàn có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở. Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube xuất hiện tình trạng quảng cáo, lừa đảo với nhiều hình thức ngày càng tinh vi nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ gây bức xúc trong nhân dân, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý và xử lý nghiêm.
Các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền địa phương đã được các cơ quan có chức năng trả lời thỏa đáng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh ghi nhận và sẽ sớm giải quyết bảo đảm quyền lợi của người dân ở khu dân cư 586 nhiều năm vào ở mà chưa được cấp quyền sở hữu nhà, cũng như đối với những công trình dự án thi công ảnh hưởng đến đời sống bà con.
Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên mạng.
Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều quảng cáo sai sự thật, có nội dung không phù hợp với pháp luật Việt Nam, gây bức xúc trong xã hội. Không ít doanh nghiệp, nhà quảng cáo chạy theo lợi nhuận, quảng cáo không đúng sự thật, gây hiểu nhầm, thậm chí là lừa đảo gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chung quanh các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Trong đó, các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, hoạt động quảng cáo xuyên biên giới… sẽ là nội dung trọng tâm với nhiều nội dung: quy định cụ thể, chặt chẽ hơn quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động quảng cáo trên mạng; ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để có những chế tài đủ mạnh nhằm hạn chế hoạt động quảng cáo vi phạm pháp luật, lừa đảo trên môi trường mạng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy vẫn còn một bộ phận người lao động bị “treo” quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn…
Đây cũng là vấn đề đã được Chính phủ nhận diện trong khi tổng kết thi hành Luật Việc làm. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Việc làm sửa đổi sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Để giải quyết tình trạng này, trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) Chính phủ đang dự kiến bổ sung quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp và biện pháp xử lý vi phạm.
Việc bổ sung quy định này sẽ bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người lao động cũng như có chế tài để xử lý người sử dụng lao động không thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chứng kiến Ngân hàng Vietcombank trao tượng trưng 5 tỷ đồng ủng hộ huyện Vị Thủy xây dựng giao thông nông thôn. (Ảnh: PHÙNG DŨNG) |
Nhân dịp cùng Đoàn công tác về tiếp xúc cử tri tại địa phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chứng kiến Ngân hàng Vietcombank trao tài trợ tượng trưng số tiền 5 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn tại huyện Vị Thủy; trao 200 suất quà tặng các công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.