Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian qua, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm, sát sao chỉ đạo cùng các đơn vị Vụ, Cục, chi nhánh tiến hành Đề án tái cơ cấu trong suốt giai đoạn gần 10 năm qua. Đến thời điểm này, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh.
Báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy: đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản đạt của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đạt 183.826,8 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cuối năm 2022; Tiền gửi khách hàng là 163.067,1 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2022; Tổng dư nợ cho vay là 133.449,1 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối năm 2022; Vốn chủ sở hữu 12.755,6 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2022; Tỷ lệ nợ xấu: 0,69%...
Qua công tác thanh tra, kiểm tra Quỹ tín dụng nhân dân đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tồn tại của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Công tác xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các quỹ đã và đang triển khai một cách tích cực Đề án tái cơ cấu. Bên cạnh đó, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố với các Sở, ban, ngành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được tăng cường…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng, nhưng hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân đạt kết quả tích cực, không có Quỹ nào rơi vào tình trạng kiểm soát như những năm trước; nhiều Quỹ được chấn chỉnh, từng bước phát triển, về cơ bản thực hiện tốt các quy định Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã, các quy định của ngành Ngân hàng. “Dù không chủ quan nhưng ở góc độ hệ thống, Quỹ tín dụng nhân dân đạt được nhiều kết quả rất tích cực, từng bước củng cố, phát triển ổn định”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước ghi nhận.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thẳng thắn nhìn nhận: công tác quản lý hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác xử lý pháp nhân của các Quỹ tín dụng nhân dân là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến; nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân tại một số địa phương chậm được xử lý… Từ thực tế trên, Phó Thống đốc cũng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ thẳng thắn những tồn tại, đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc để tiếp tục thực hiện củng cố, chấn chỉnh và cơ cấu lại hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã chỉ ra những tồn tại của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cũng như đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. Theo đó, những tồn tại, khó khăn đến từ các nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Về chủ quan: công tác kiểm soát của các Quỹ tín dụng nhân dân chưa chặt chẽ; trình độ cán bộ hạn chế, ý thức tuân thủ cán bộ chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, sai sót trong quá trình tác nghiệp. Về khách quan: cơ chế chính sách còn thiếu, chưa phù hợp trong hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân; khó khăn trong quá trình kiểm tra Quỹ tín dụng nhân dân,...
Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tổng hợp những vi phạm, tồn tại, hạn chế thường gặp của các Quỹ tín dụng nhân dân, gửi Quỹ tín dụng nhân dân để rút kinh nghiệm, tránh lặp lại trong hoạt động. Đây cũng là cơ sở để xem xét trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát trong quản trị, điều hành Quỹ tín dụng nhân dân, áp dụng biện pháp xử lý cao hơn đối với Quỹ tín dụng nhân dân được thanh tra, kiểm tra những năm tiếp theo vẫn vi phạm các nội dung đã được cảnh báo.
Đại diện Ngân hàng Hợp tác xã cũng kiến nghị được tiếp cận các thông tin kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước, các văn bản cảnh báo chấn chỉnh của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nhằm đánh giá đúng thực trạng hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.