Tiếng loa trên miền bazan

NDO -

“Đất nước hôm nay đang vui mừng chào ngày hội lớn. Ngày toàn dân làm nghĩa vụ thiêng liêng…”, khúc nhạc mở đầu trong tác phẩm Ngày hội non sông của nhạc sĩ Vĩnh Lai, rộn ràng từ những chiếc loa truyền thanh và loa di động trên những cung đường thôn, buôn ở miền đất bazan Lâm Đồng. Ngày hội bầu cử đang đến gần và những chiếc loa vẫn cần mẫn hằng ngày truyền đi những thông điệp.

Kiểm tra hệ thống loa không dây phục vụ tuyên truyền ngày bầu cử tại huyện Đam Rông, Lâm Đồng.
Kiểm tra hệ thống loa không dây phục vụ tuyên truyền ngày bầu cử tại huyện Đam Rông, Lâm Đồng.

“Ngày 23-5, bà con mình sẽ đi bầu cử, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của một công dân. Phải mặc đồ đẹp truyền thống chớ, ngày hội non sông mà. Cùng với đó, phải cùng nhau phòng, chống dịch Covid-19. Loa phát thanh nói hàng ngày nên ai cũng nhớ”, già Triêk Y Tư, buôn Phi Rút, xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông nói.

Trong ngôi “biệt thự” mới xây cách đây chưa lâu bên cung đường nhựa chạy dọc giữa buôn Phi Rút, hướng về thượng nguồn dòng Krông Nô huyền thoại, già Triêk Y Tư chậm rãi: Xưa vùng này nghèo khó lắm, toàn nhà lồ ô. Giờ nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, đời sống bà con đã khá lên nhiều rồi, đã có nhà kiên cố, không còn chuyện đói nữa.

Tiếng loa trên miền bazan -0
 Cán bộ Đài TT-TH Đam Rông biên tập chương trình phát thanh về Ngày hội non sông.

“Cùng với tuyên truyền về ngày bầu cử, về phòng, chống dịch bệnh, cái loa cũng phát rất nhiều chương trình rất hay về các mô hình làm ăn, phát triển kinh tế; cách chăm sóc cây trồng, phòng, chống sâu bệnh; chương trình về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và tin tức thời sự để bà con mình biết, học làm theo cái hay”, già Y Tư chia sẻ.

Buôn Phi Rút có hơn 145 hộ, là người dân tộc bản địa Tây Nguyên. Trong ngôi nhà truyền thống, già làng Kon Sơ Ha Siêng đang vui cùng con cháu, già bảo: “Chuyện bầu cử, phòng, chống dịch bệnh à, bà con mình không quên đâu. Cái loa nó nhắc hằng ngày mà; rồi cán bộ, đoàn thanh niên đến tận buôn làng tuyên truyền, hướng dẫn, mình phải đi bầu cử để chọn người tài đức đại diện cho dân chớ”.

“Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”, thanh âm vang lên vào cung giờ 5 giờ 30 phút hằng ngày trên hệ thống truyền thanh không dây ở hầu hết các địa bàn tỉnh Lâm Đồng, như tiếng chuông báo hiệu ngày mới.

Tiếng loa trên miền bazan -0
 Người “gác sóng” ở trạm phát thanh trên địa bàn huyện Lâm Hà, Lâm Đồng.

Trong không gian trạm truyền thanh xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông, ông Triệu Xuân Hiệp, cán bộ truyền thanh xã cho biết, hằng ngày, trạm thực hiện việc tiếp phát ba cung giờ các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH Lâm Đồng và các chương trình thời sự của Đài TT- TH Đam Rông, để chuyển tải thông tin đến với nhân dân.

“Truyền thanh xã còn xây dựng các chuyên đề phục vụ các sự kiện lớn của đất nước, địa phương, như phòng, chống dịch bệnh, bầu cử”, ông Hiệp nói.

Hiện, trên địa bàn huyện Đam Rông, tất cả tám xã đều có trạm truyền thanh không  dây tiếp sóng đài huyện, phát sóng ba lần trong ngày vào lúc 5 giờ 30 phút đến 7 giờ, 11 đến 12 giờ và 14 giờ 30 phút đến 19 giờ. Mỗi xã có từ 10 đến 15 cụm tự thu, phát lại xuống các thôn.

Tiếng loa trên miền bazan -0
 Chuẩn bị chương trình phát thanh tiếng Cơ Ho.

Theo trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình (TT-TH) Đam Rông Nguyễn Vi Xuân, Đài Truyền thanh huyện tiếp phát chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Lâm Đồng; đồng thời, xây dựng chương trình của địa phương để phát trên tần số FM đã được đăng ký. Riêng các sự kiện như bầu cử, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai… tùy theo từng giai đoạn để xây dựng và phát các nội dung trên chuyên mục Bạn cần biết.

“Hiện, sóng phát thanh đã phủ đến 98% dân số toàn huyện. Nhớ lại ngày mới thành lập, cả huyện chỉ có ba trạm truyền thanh hữu tuyến, với vỏn vẹn 3km đường dây. Giờ truyền thanh không dây cả rồi, đài còn bộ phận biên dịch để phát các bản tin, thông tin tuyên truyền bằng tiếng Cơ Ho nữa”, Trưởng đài TT-TH Đam Rông chia sẻ.

Tiếng loa trên miền bazan -0
 Truyền tải thông tin ngày hội bầu cử về các buôn làng tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Đam Rông, có nhiều cách cắt nghĩa. Theo cách gọi phổ thông của đồng bào bản địa là Đạ M’rông, nơi gặp nhau của những con sông, con suối. Những con nước chảy cạn lòng dệt những miền xanh. “Giờ Đam Rông khác xưa nhiều rồi, đời sống bà con đã được nâng cao, không lo đói cái bụng, đói cái thông tin như trước nữa”, già làng Ha Mách nói.

Chiều, rời miền đất bên dòng Krông Nô huyền thoại, dọc tuyến Quốc lộ 27 và trên những thôn, buôn huyện Lâm Hà, những cụm loa truyền thanh không dây đang phát những thông điệp về ngày bầu cử. Chị Ka Liên, ở buôn Đam Pao, thị trấn Đinh Văn cho biết, từ loa phát thanh, chị và bà con buôn làng đã nắm rõ những thông tin bầu cử, phòng, chống dịch bệnh. “Có hệ thống loa này rất tiện lợi, bà con có thể nghe trong lúc làm vườn, làm rẫy… tốt lắm”, Ka Liên nói.

Hiện, hệ thống truyền thanh không dây được rải đều trên khắp các thôn buôn, tổ dân phố của 16 xã, thị trấn huyện Lâm Hà, với tổng số 372 cụm loa hoạt động đều đặn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Đinh Đức Chí, hệ thống truyền thanh không dây đã duy trì và phát huy hiệu quả. Từ việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đến các thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống dịch Covid-19 và hiện tập trung thông tin về bầu cử.

“Lâm Hà có địa bàn rộng, địa hình khá phức tạp; do đó, hệ thống truyền thanh không dây đã phát huy được vai trò, phục vụ rất tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hiện nay, ngoài việc tiếp sóng đài T.Ư và địa phương; đài huyện và trạm truyền thanh các xã đều có bản tin riêng để phục vụ tốt cho bầu cử”, ông Chí cho hay.

Tiếng loa trên miền bazan -0
 Đoàn thanh niên về những buôn làng tuyên truyền thông tin bầu cử qua loa lưu động.

Những ngày này, khắp nơi trên vùng đất nam Tây Nguyên đều khoác lên màu tươi mới, không khí ngày hội non sông tỏa khắp các nẻo đường. Những buôn làng dưới chân núi Mẹ Langbiang thắm tươi hơn trong nắng mai.

Già làng Krajan Blôm,  Bon Dơng 2, thị trấn Lạc Dương, nói: “Thời gian qua, địa phương tổ chức tuyên truyền tốt lắm, qua loa phát thanh, loa lưu động, phát tờ rơi… cùng băng-rôn, khẩu hiệu khắp các vị trí thuận lợi, nên nhân dân đều biết về ngày bầu cử. Với vai trò già làng, người có uy tín, mình tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng”.   

Huyện Lạc Dương có khoảng 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những ngày này, từ thị trấn đến các xã vùng sâu, vùng xa của huyện, tiếng loa tuyên truyền về bầu cử, phòng, chống dịch bệnh vọng khắp các ngả đường.

Tại các xã vùng sâu, vùng xa như Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais, Đưng K’Nơh… đã tổ chức tuyên truyền bằng hình thức phù hợp đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dễ nghe, dễ hiểu, như tuyên truyền lưu động trực quan, qua hệ thống loa bằng tiếng phổ thông và tiếng Cơ Ho.

“Ngày 23-5, mình phải vận động bà con buôn làng ăn mặc đẹp, đi bầu sớm. Ngày hội non sông mà…”, cựu chiến binh, già làng Cil Ha Nhưng, xã Đạ Chais nói.

Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có 12 Đài TT-TH huyện, thành phố; 131 đài truyền thanh cơ sở trong tổng số 142 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 130 đài truyền thanh không dây, sóng FM.

Cùng các hình thức tuyên truyền như trực quan, tài liệu in ấn, bằng công nghệ thông tin, hoạt động văn hóa nghệ thuật… thì tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, loa lưu động đã mang lại hiệu quả cao; nhất là với dân số có hơn 25,7% đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, địa hình đồi núi như Lâm Đồng.

Tiếng loa trên miền bazan -0
 Những chuyến xe truyền thông điệp về Ngày hội non sông.

Trong chuyến kiểm tra công tác bầu cử tại Lâm Đồng mới đây, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá: “Dù địa bàn rộng, Lâm Đồng rất sâu sát cơ sở, nắm chắc địa bàn. Ngoài các hình thức tuyên truyền theo quy định, địa phương đã rất sáng tạo trong hoạt động này, nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đến nay, Lâm Đồng đã thực hiện hơn 270 chuyên mục, chương trình phát thanh, với khoảng hai nghìn tin, bài bằng tiếng phổ thông và hơn 200 chương trình, với 500 tin, bài bằng tiếng Cơ Ho; xây dựng 15 tài liệu tuyên truyền xe loa và thông qua hệ thống loa phát thanh không dây, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử.

Sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, đang đến gần. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đang náo nức hướng về ngày hội lớn, như lời tác phẩm Ngày hội non sông: “Đất nước hôm nay đang vui mừng chào ngày hội lớn. Ngày toàn dân làm nghĩa vụ thiêng liêng. Vì độc lập, tự do, vì Tổ quốc mạnh giàu. Chúng ta đi bầu chọn người có tài, có đức. Đem hết sức mình để phục vụ nhân dân...”.