Con cháu Lạc Hồng

Tiếng chuông chùa ngân giữa trùng khơi

Cách đây chín năm, lần đầu tiên, Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc cách tấn phong chư tăng Thích Giác Nghĩa từ hàng giáo phẩm đại đức lên thượng tọa (là thượng tọa đầu tiên trong cả nước có tuổi đời dưới 45). Thượng tọa Thích Giác Nghĩa cũng là một trong sáu chư tăng đầu tiên ở Khánh Hòa được thực hiện Phật sự tại huyện đảo Trường Sa.
0:00 / 0:00
0:00
Thượng tọa Thích Giác Nghĩa cùng lãnh đạo Quân chủng Hải quân thỉnh chuông cầu nguyện cho các Anh hùng liệt sĩ tại đảo Sinh Tồn. Ảnh: Minh Tư
Thượng tọa Thích Giác Nghĩa cùng lãnh đạo Quân chủng Hải quân thỉnh chuông cầu nguyện cho các Anh hùng liệt sĩ tại đảo Sinh Tồn. Ảnh: Minh Tư

Giữa biển trời Nha Trang (Khánh Hòa), thượng tọa Thích Giác Nghĩa kể cho chúng tôi nghe về ký ức và kỷ niệm thật xúc động về Trường Sa, về những hộ dân đang sinh sống, làm việc ở đảo xa, về những người lính luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. "Tháng 4/2012, tôi được Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa chấp thuận nguyện vọng và lựa chọn thực hiện Phật sự tại huyện đảo Trường Sa. Tôi muốn ra Trường Sa trước hết là với trách nhiệm của một công dân, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, và còn là để chia sẻ tâm tư, tình cảm với những người dân sinh sống nơi đảo xa, đưa những câu chuyện, bài học của Phật giáo đến với họ để sống tốt đời đẹp đạo. Thêm vào đó, đây cũng là một cơ hội để tôi có thể toàn tâm toàn ý tu tập", thượng tọa Thích Giác Nghĩa chia sẻ về tâm nguyện ra Trường Sa.

5 năm sống và tu tập trên đảo, cộng với những ngày tháng đi đi về về giữa đất liền với biển đảo, thượng tọa Thích Giác Nghĩa nhận thấy, những người sống nơi đảo xa dù thế nào họ cũng sẽ có lúc nhớ nhà, nhớ người thân và quê hương. Chính vì thế, ngôi chùa là chỗ dựa tinh thần để khiến họ gần thêm với đất liền. "Ở đảo hay ở đất liền thì cũng đều có những câu chuyện vui buồn. Những người sống ở đảo có những thiệt thòi hơn, nhất là khi cha mẹ hay người thân mất đi, có người đã không thể kịp về để chịu tang, nhưng chính ngôi chùa đã xoa dịu một phần mất mát ấy khi thầy tụng kinh, hay làm lễ cầu siêu cho hương linh người thân của họ", thượng tọa Thích Giác Nghĩa nhớ lại. Không chỉ chia sẻ với người dân nơi đây về đời sống tinh thần, thượng tọa còn kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ thực phẩm, một số nhu yếu phẩm gửi từ đất liền ra đảo.

Sau khi hết nhiệm kỳ đầu (sáu tháng), thượng tọa Thích Giác Nghĩa đã đề nghị và được chấp thuận tăng thời gian nhiệm kỳ lên một năm để có thể được sống và tu tập nơi biển đảo được lâu hơn. Trong hai năm đầu sống và tu tập tại Trường Sa, thượng tọa Thích Giác Nghĩa đã lạy được bộ kinh Pháp Hoa, một chữ một lạy (khoảng tám chục nghìn lạy được thực hiện trong sáu tháng 10 ngày). Cũng trong thời gian này, thượng tọa đã tham gia kêu gọi các mạnh thường quân tiếp tục chung tay cùng xây dựng, trùng tu nhiều ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa. Sự hiện diện của những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa mang sự gần gũi của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và người dân nơi đảo xa.

Khi chúng tôi hỏi rằng "Sống và tu tập ở nơi đầu sóng ngọn gió, ngoài tình yêu Tổ quốc, còn sự thôi thúc nào đặc biệt từ trong suy nghĩ, trong tâm trí để thầy luôn xin được ở lại Trường Sa?", thượng tọa Thích Giác Nghĩa ôn tồn đáp: "Được ra Trường Sa, trước khi là một tu sĩ, thầy còn là một công dân Việt Nam, mang theo sứ mệnh của một người con của dân tộc, là con cháu Lạc Hồng, cùng góp sức nhỏ bé của mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khi đất nước gặp nguy nan, từ xa xưa, các vị tổ sư cũng đã khoác chiến bào để chống giặc ngoại xâm".

Trở về đất liền, nhớ lại những năm tháng sống và tu tập ngoài đảo xa, thượng tọa Thích Giác Nghĩa vẫn mong có một ngày được trở lại Trường Sa. Thầy nhớ những người dân đôn hậu luôn mặn mòi sóng gió biển khơi, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi cùng nhau, nhớ những người lính trẻ luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhớ những khi tối trời, thầy đi quanh đảo để trò chuyện với người dân, động viên những người lính đang trực chốt. Những trưa hè khi các chiến sĩ đi nhổ cỏ, đi lao động, thầy Giác Nghĩa cũng đến làm cùng. Hình ảnh người tu sĩ với áo nâu sồng ướt đẫm mồ hôi hay lặng lẽ đi quanh đảo khi màn đêm buông xuống để thăm hỏi, động viên, trò chuyện với mọi người là những ký ức đẹp trong trí nhớ của nhiều người sống trên đảo…

Kể cho chúng tôi nghe về những tháng năm gắn bó với biển, đảo, với những người lính, với từng công việc Phật sự và cả với cảm giác thiêng liêng khi tiếng chuông chùa ngân vang giữa trùng khơi, thượng tọa Thích Giác Nghĩa bồi hồi: "Thời gian được sống và tu tập ở Trường Sa, được cùng với chiến sĩ, đồng bào mình bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước là quãng đời vàng son và vô giá đối với thầy".