Thành phố Hồ Chí Minh có 2.362 trường học, với hơn 1,7 triệu học sinh; trong đó, có 1.275 trường mầm non, 520 trường tiểu học, 295 trường trung học cơ sở, 205 trường trung học phổ thông, hơn 67 trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục chuyên biệt.
Môi trường học tập ngày thêm thân thiện
Trường mầm non 19/5 Thành phố (phường Đa Kao, Quận 1), đang hướng đến xây dựng ngôi trường hạnh phúc, nơi trẻ được yêu thương, chăm sóc và phát triển toàn diện. Ngôi trường 50 tuổi này hiện có tổng số 420 trẻ, được xây dựng trên diện tích hơn 3.390 m2, tổng diện tích xây dựng là 6.470 m2, với không gian sạch đẹp, thoáng đãng...
Theo Ban Giám hiệu nhà trường, trong hành trình xây dựng Trường học hạnh phúc, việc tạo ra môi trường học tập an toàn, thân thiện, tổ chức các hoạt động giáo dục sáng tạo là nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công và sự phát triển bền vững của một ngôi trường. Bên cạnh chú trọng kiến tạo môi trường học gần gũi, hấp dẫn, thu hút sự hứng thú học tập của trẻ, nhà trường còn quan tâm xây dựng không gian xanh trong trường học để mỗi ngày trẻ đến trường được hòa mình vào không gian tươi mát. Mô hình Trường học hạnh phúc được xem là một bước tiến quan trọng, nhằm tạo ra môi trường giáo dục tích cực, là nơi hội tụ các yếu tố chất lượng giáo dục, nơi trẻ em không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được nuôi dưỡng tinh thần, phát triển toàn diện.
Sau một năm triển khai mô hình Trường học hạnh phúc, Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Tân Phú (quận Tân Phú) đã thành lập các ban: Ban EHS (Ban Môi trường, sức khỏe và an toàn), Ban 5S (sẵn sàng, săn sóc, sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ), Ban bảo vệ trẻ em, Ban an toàn vệ sinh thực phẩm để triển khai các tiêu chí Trường học hạnh phúc.
Trong đó, Ban EHS đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường học tập và làm việc an toàn, lành mạnh cho học sinh, giáo viên và nhân viên. Nhiệm vụ của Ban EHS là đào tạo và huấn luyện về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, sơ cứu y tế; giám sát an toàn tại các khu vực học tập, sinh hoạt, vệ sinh và thực phẩm; quản lý và xử lý chất thải bảo vệ môi trường; ứng phó sự cố khẩn cấp...
Ban bảo vệ trẻ em do Hiệu trưởng Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Tân Phú làm trưởng ban. Ban này sẵn sàng tiếp nhận và kịp thời xử lý mọi thông tin liên quan đến quyền bảo vệ trẻ em, các hành vi xâm hại, bỏ rơi, kỳ thị hoặc bạo lực liên quan đến học sinh. Nhà trường cũng triển khai chủ trương tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tại nhà trường đều phải ký kết bản thỏa thuận bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực học đường.
Ngoài ra, Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Tân Phú cũng chú trọng xây dựng mô hình mỗi lớp học là một không gian học tập hạnh phúc. Trong không gian lớp học này, các học sinh được thỏa sức sáng tạo, tự trang trí, tự thiết kế, tự lên ý tưởng. Đặc biệt, dựa trên giá trị cốt lõi của nhà trường: Yêu thương-tôn trọng-trách nhiệm gắn với sứ mệnh xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, học sinh của mỗi lớp và giáo viên chủ nhiệm cùng thảo luận xây dựng các quy tắc ứng xử. Từ các quy tắc này, học sinh cùng học tập, cùng ứng xử thân thiện tạo ra một môi trường học tập hạnh phúc, tôn trọng lẫn nhau.
Triển khai theo chiều sâu
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích xây dựng, phát triển mô hình Trường học hạnh phúc dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân-Kết nối với người khác-Kết nối với thế giới tự nhiên. Trường học hạnh phúc hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh con người Thành phố Hồ Chí Minh "Sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo". Vì vậy, việc triển khai Trường học hạnh phúc hết sức quan trọng trong công tác giáo dục hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sau một năm thực hiện mô hình Trường học hạnh phúc, đến nay đơn vị đã xác định được những giải pháp để thời gian tới toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai mô hình Trường học hạnh phúc theo chiều sâu, có sức lan tỏa lớn trong xã hội.
Trong nhiều giải pháp, ngành giáo dục đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng đến việc tạo không gian học tập thân thiện và hiện đại. Theo đó, các trường sẽ phát triển các mô hình học tập hạnh phúc như khu vực thư giãn, góc sáng tạo nghệ thuật và không gian xanh để học sinh có nơi cân bằng cảm xúc; mở rộng khu vực hoạt động thể thao, thư viện, phòng học chức năng, đồng thời tổ chức "Ngày hội hạnh phúc" để giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng tham gia với các hoạt động ý nghĩa như viết thư cảm ơn, chia sẻ câu chuyện tích cực... giúp học sinh và giáo viên hiểu sâu sắc hơn về lòng biết ơn, tình yêu thương và trách nhiệm.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo trong triển khai mô hình Trường học hạnh phúc. Những tiêu chí Trường học hạnh phúc được xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với đặc thù của thành phố, bám sát định hướng từ Trung ương. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm, sự bài bản và tâm huyết của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trong xây dựng nền tảng giáo dục nhân văn, tiến bộ. Các trường học tại thành phố không chỉ là nơi truyền tải kiến thức, kỹ năng mà đã từng bước trở thành "ngôi nhà thứ hai" thật sự hạnh phúc. Tại đây, mỗi ngày đi học là một ngày vui cho cả học sinh, cán bộ, nhân viên, giáo viên...