Nhạc sĩ Huy Du họ Nguyễn, còn có bút danh là Huy Cầm, sinh năm 1926, tại xã Tân Chi, huyện Tiên Sơn (Hà Bắc) một vùng quê quan họ thơ mộng nổi tiếng đã để lại trong ông những dấu ấn sâu đậm với những kỷ niệm từ thuở ấu thơ.
Sinh ra ở đất Kinh Bắc, lớn lên ở đất Kinh Kỳ, thời gian học phổ thông ở Hà Nội, ông đã say mê học thổi sáo và chơi đàn violon. Bắt đầu hoạt động cách mạng vào năm 1949, ông tham gia Mặt trận Việt Minh từ Ðoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, phụ trách in ấn thạch bản những bài ca cách mạng để phổ biến trong quần chúng. Sau khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, ông gia nhập Vệ quốc đoàn, sau chuyển về Ðội Tuyên truyền Bộ Tư lệnh chiến khu 2.
Từ năm 1947 đến năm 1955, ông lần lượt giữ các cương vị công tác, từ giảng viên trường Thiếu sinh quân Bộ Tư lệnh chiến khu 3 đến Ðoàn trưởng Ðoàn Tuyên truyền và Văn nghệ Bộ Tư lệnh Liên khu 3, Ðoàn trưởng văn công Sư đoàn 320, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu 3, và cuối cùng, cán bộ Phòng Văn nghệ Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị.
Từ 1960, ông được cử đi du học ở Trung Quốc và đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Bắc Kinh năm 1967, về nước được cử làm Ðoàn trưởng Ðoàn văn công Tổng cục Chính trị với quân hàm Ðại tá, đồng thời là Ủy viên Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Từ năm 1979 đến năm 1990, ông đã kinh qua các nhiệm vụ công tác quan trọng như: Bí thư Ðảng đoàn kiêm Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 3 (1983 - 1989); Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông còn là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung; đại biểu Quốc hội khóa VII, khóa VIII; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khóa VIII.
Ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó có Huân chương Ðộc lập hạng nhất và hạng nhì; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2001.
Nửa thế kỷ say mê lao động sáng tạo, nhạc sĩ Huy Du đã để lại cho đời một gia tài quý báu gồm hơn 300 bài hát, hợp xướng và một số tác phẩm viết cho khí nhạc, nhạc cho điện ảnh và sân khấu...
Ông đã lần lượt được xuất bản ba tuyển tập ca khúc: Anh vẫn hành quân (NXB Văn hóa), Ðường chúng ta đi (NXB Quân đội), Khát vọng mùa xuân (NXB Âm nhạc) và bản Concertino 3 chương viết cho vi-ô-lông và dàn nhạc (NXB Văn hóa) có tên gọi Miền nam quê hương ta ơi và một số băng đĩa ca nhạc khác...
Phải nói rằng, ca khúc đã chiếm một địa vị chủ yếu trong toàn bộ sáng tác âm nhạc của Huy Du và đã thể hiện khá rõ tính tư tưởng, tính nghệ thuật và phong cách của tác giả. Trong hàng trăm bài hát của ông luôn nổi bật tình yêu quê hương và con người Việt Nam với ý chí mãnh liệt trong cuộc đấu tranh sống còn chống ngoại xâm giải phóng Tổ quốc, tất cả đã phản ánh sâu sắc và đầy đủ hiện thực oai hùng của đất nước trong các giai đoạn chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy viết chưa nhiều, nhưng ông đã có các bài hát được phổ biến trong quần chúng: Sẽ về Thủ đô, Ba Vì năm xưa, Tôi yêu hòa bình, Những gác chuông giáo đường...
Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là giai đoạn chín muồi và nở rộ của Huy Du trên bước đường âm nhạc của ông. Ông đi nhiều, viết nhiều và để lại cũng khá nhiều tác phẩm được lưu truyền rộng rãi với bút pháp nghệ thuật ngày càng được tinh luyện, ghi lại đậm nét dấu ấn lịch sử của một thời vàng son oanh liệt đầy kỳ tích của dân tộc.
Âm nhạc của Huy Du đi vào lòng người nhờ giai điệu đẹp, chải chuốt và giàu tính dân tộc. Ðặc biệt, chất trữ tình lãng mạn trong sáng luôn luôn bao trùm lên mọi đề tài của cuộc sống, lúc rạo rực, thiết tha như Hoa mộc miên; đằm thắm da diết như Tình em; say sưa ngâm ngợi như Bế Văn Ðàn sống mãi, Cùng anh tiến quân trên đường dài; hùng vĩ bao la như Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát; hào sảng như Anh vẫn hành quân, Chưa hết giặc là ta chưa về; đanh thép quyết liệt như Thề quyết bảo vệ Tổ quốc; phơi phới lạc quan như Nổi lửa lên em, Việt Nam trên đường chúng ta đi... Và, trong bức tranh toàn cảnh của âm nhạc đầy sắc thái ấy, bao giờ cũng thấy hiện lên một Huy Du đa tài, đa cảm, trữ tình và trong sáng, hào hùng và lãng mạn.
Ở lĩnh vực khí nhạc, nổi bật là bản Concertino viết cho violon Miền Nam quê hương ta ơi là tác phẩm trải qua nhiều thập kỷ vẫn giữ được sức sống lâu bền trong các chương trình tiết mục biểu diễn, trong giáo trình giảng dạy và học tập của các nhạc viện và trường nhạc trong nước. Tác phẩm còn được trình bày ở CHDC Ðức, Liên Xô (trước đây) và ở Singapore...
Trong một đêm biểu diễn chào mừng Ðại hội III Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1983, tác phẩm này lần đầu tiên đã được trình bày trọn vẹn ba chương do GS, NSND Tạ Bôn độc tấu với Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội, dưới đũa chỉ huy của GS, NSND Trọng Bằng, đã chinh phục được mọi người trong khán phòng nhà hát. Tôi còn nhớ Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã lên sân khấu chúc mừng tác giả và các nghệ sĩ biểu diễn sau buổi hòa nhạc.
Huy Du ra đi trong lúc giới âm nhạc cả nước đang chuẩn bị lễ kỷ niệm chào mừng 50 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam và long trọng đón nhận Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý của Ðảng và Nhà nước trao tặng cho các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Ôn lại nửa thế kỷ hào hùng và oanh liệt vừa qua, chúng tôi không thể không tự hào về những nhạc sĩ lão thành, những lớp người đi trước đã có nhiều cống hiến quan trọng cho sự trưởng thành vững mạnh của Hội hôm nay, trong đó có: Nhạc sĩ Huy Du yêu mến.