Thương tiếc người thầy, người bạn lớn

May mắn được biết, được học và cùng làm việc với Giáo sư (GS) Võ Quý từ năm 1958 cho đến nay đã tròn 59 năm, đối với tôi,
GS Võ Quý vừa là người thầy, người đồng chí, người anh vô cùng kính trọng và quý mến. Ông là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập, noi theo về đạo đức trong sáng và thủy chung với nghề nghiệp của một nhà giáo.

Giáo sư Võ Quý (người ở giữa) nhận giải thưởng MIDORI năm 2012.               Ảnh: BÙI TUẤN
Giáo sư Võ Quý (người ở giữa) nhận giải thưởng MIDORI năm 2012.               Ảnh: BÙI TUẤN

Giáo sư Võ Quý sinh ngày 31-12-1929 tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông là một nhà giáo, nhà khoa học rất nổi tiếng ở trong nước và quốc tế. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, GS Võ Quý đã dạy ở các trường trung học ở Hà Tĩnh. Đến khi chiến thắng Điện Biên Phủ, GS Võ Quý ra bắc, có một thời gian ông được học bổ túc ở Nam Ninh, Trung Quốc. Sau khi về nước, ông tham gia giảng dạy ở Khoa Sinh, nghiên cứu chuyên sâu về chim tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN), nay là Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Ông đã đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau: giảng viên, Trưởng phòng Đào tạo (1975 - 1980), Chủ nhiệm Khoa Sinh học (1980 - 1990)... Năm 1985, ông là người sáng lập ra Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (thuộc Trường ĐHTHHN), nay là Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường thuộc ĐHQGHN và giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm.

Là người sáng tạo, GS Võ Quý kết hợp hài hòa giữa việc giảng dạy đào tạo với vấn đề nghiên cứu khoa học. Ngoài nhiệm vụ là một nhà giáo ở Trường ĐHTHHN, GS Võ Quý đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về chim, về các loài động vật quý hiếm, về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường và về hậu quả của chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Năm 1981-1990, GS Võ Quý là Phó Chủ nhiệm chương trình cấp Nhà nước nghiên cứu về vấn đề tài nguyên thiên nhiên và môi trường, khi đó tôi cũng là một thành viên trong ban chủ nhiệm đó. Ngoài ra, ông cũng giữ những chức vụ như: Ủy viên thường vụ Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ về Chương trình khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Ủy viên Ủy ban 10-80 Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam; Phó Chủ tịch Tổng hội các ngành sinh học Việt Nam. Đối với quốc tế, ông là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn quốc tế (WCPA/IUCN), Hội đồng quốc tế về Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC/IUCN)...

Sự đóng góp của GS Võ Quý về lĩnh vực giáo dục và đào tạo là rất lớn. Dưới mái Trường ĐHTHHN, GS Võ Quý đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy sinh học cho đất nước. Học trò của ông, nhiều người đã thành danh và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Ông không những đào tạo về nghiên cứu khoa học mà còn là người biết kết hợp chặt chẽ linh hoạt trong lý thuyết và thực tế, giúp người học nắm được kiến thức và thực tiễn. Trong quá trình giảng dạy, bản thân tôi học được từ GS Võ Quý kinh nghiệm là chỉ dựa vào giáo trình một phần, quan trọng là từ cơ sở lý thuyết đưa ra thực tế như thế nào. Nếu người dạy không cập nhật và tiếp cận với tình hình thực tế của từng địa phương thì sẽ không nắm được mỗi địa phương có đặc điểm hệ sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội, tập quán khác nhau như thế nào. Học phải đi đôi với hành, lý thuyết vô cùng quan trọng, nhưng nếu không ứng dụng và áp dụng thì lý thuyết đó cũng không phục vụ được cho cuộc sống. Những người học tập được cái đó, thì quá trình truyền đạt kiến thức sẽ hấp dẫn sinh viên.

Khoảng năm 1980, GS Võ Quý được GS Tôn Thất Tùng giao phụ trách nghiên cứu về ảnh hưởng chất độc hóa học đến môi trường và sức khỏe con người Việt Nam. GS Võ Quý đã tổ chức một đoàn cán bộ khoa học, trong đó có tôi đi vào các tỉnh phía nam để nghiên cứu về chất độc hóa học. Ngoài ra, GS Võ Quý đã cùng các đồng nghiệp, các nhà khoa học tổ chức nhiều đợt khảo sát, điều tra về đa dạng sinh học, đặc biệt đối với khu hệ chim. Nhờ những đợt nghiên cứu đi sâu vào thực địa đã giúp ông có thêm nhiều tài liệu về sự phân bố của các loài chim. Cho đến nay, Việt Nam của chúng ta đã có hơn một nghìn loài chim, trong đó có rất nhiều đặc hữu và quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ. Trong quá trình nghiên cứu khoa học, ông đã công bố hơn 100 công trình trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Đây là một tài liệu rất có giá trị trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của nước nhà.

Với sự đóng góp to lớn đó, Đảng và Nhà nước tặng thưởng ông nhiều Huân chương, Huy chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng ba; Huân chương Lao động hạng ba; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Thực vật trĩ, động vật trĩ năm 2012; Công trình Át Lát năm 2005... Ngoài ra, GS Võ Quý còn giành một số giải thưởng quốc tế như Huy chương vàng của tổ chức bảo vệ thế giới Hồng Kông; Bằng danh dự Global 500 của Liên hợp quốc; năm 2003, GS Võ Quý vinh dự là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ hai được nhận Giải thưởng Hành tinh xanh của Nhật Bản...

Sự đóng góp của GS Võ Quý về đào tạo và nghiên cứu khoa học là rất lớn với đất nước, với mục đích làm sao cho đất nước Việt Nam phát triển bền vững. Năm 2016, GS Võ Quý viết một cuốn sách tuyển chọn các công trình nghiên cứu của ông. Cuốn sách là một công trình khoa học có chất lượng cao, đề cập nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mang tính thời đại về môi trường và đa dạng sinh học. GS Võ Quý đã để lại cho đời những ấn tượng sâu sắc về giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đây là một tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo về đạo đức trong sáng và thủy chung với nghề nghiệp của một nhà giáo. Chính vì thế, khi biết tin GS Võ Quý - người thầy, người bạn, người đồng chí đã qua đời, tôi vô cùng thương tiếc và xin gửi lời chia buồn với gia đình và cơ quan. Tôi nguyện với vong linh ông, sẽ cùng bạn bè và đồng nghiệp tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giảng dạy và đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học của nước nhà.

GS, TSKH Đặng Huy Huỳnh

Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái

và Tài nguyên sinh vật, Phó Chủ tịch Hội

Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam