Cùng suy ngẫm

Thực thi nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, hiện nay đội ngũ thực thi công vụ đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng của người dân và đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân. Mặc dù vậy, tại nhiều kỳ họp Quốc hội khóa XV, các phiên họp thường kỳ, chuyên đề hay phiên họp đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ tổ chức gần đây, nhiều đại biểu còn bày tỏ lo lắng khi việc tổ chức thực hiện pháp luật trên một số lĩnh vực chưa nghiêm, chưa hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” Ủy ban nhân dân quận Đống Đa. (Ảnh: QUỐC TOẢN)
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” Ủy ban nhân dân quận Đống Đa. (Ảnh: QUỐC TOẢN)

Đại biểu Quốc hội và cử tri cũng phản ánh tình trạng vẫn còn không ít cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ, chính xác về sứ mệnh phục vụ người dân, về việc thực thi công vụ theo hướng lấy người dân làm trung tâm; vẫn còn những công chức giải quyết công việc cho tổ chức và người dân một cách thiếu trách nhiệm, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Tại hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nội vụ cho biết, có 10/17 bộ, cơ quan ngang bộ không đạt tỷ lệ điểm số tối đa tại tiêu chí “chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức”. Trong khi đó, các nội dung người dân mong đợi chính quyền các tỉnh, thành phố cải thiện nhiều nhất là nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân; nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân.

Tại hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nội vụ cho biết, có 10/17 bộ, cơ quan ngang bộ không đạt tỷ lệ điểm số tối đa tại tiêu chí “chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức”.

Đại biểu Quốc hội và cử tri cho rằng, trước đòi hỏi thực tiễn xây dựng nền hành chính phục vụ, quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả đã được nêu trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, vấn đề rất quan trọng và cấp bách hiện nay là siết chặt kỷ cương công vụ gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi đối với hoạt động của bộ máy hành chính. Tăng cường giám sát, phản hồi ý kiến của người dân, xã hội đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước, nhất là thường xuyên lấy ý kiến người dân trong đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, giúp họ thấm nhuần tinh thần biết lắng nghe, cầu thị, trách nhiệm, hết lòng phục vụ người dân, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức về chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như mỗi cá nhân.

Để làm tốt các yêu cầu nêu trên trong bối cảnh kinh tế số, xã hội số, khoa học-công nghệ ngày càng phát triển, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định, chính sách về một nền công vụ minh bạch, trách nhiệm, công bằng và liêm chính. Trong đó, đặc biệt lưu ý áp dụng khoa học-công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ, đánh giá kết quả thực hiện bộ chỉ số cải cách hành chính hằng năm của cơ quan hành chính các cấp theo hướng toàn diện, đa chiều, công khai, minh bạch.

Theo kết quả khảo sát được công bố tại hội nghị nêu trên, năm 2023, mức độ người dân sẵn sàng tham gia góp ý về một số vấn đề quản lý nhà nước chưa cao. Trong số người dân được khảo sát, 42,78% sẵn sàng tham gia góp ý nhưng chỉ có 5,95% sẵn sàng góp ý chính sách theo hình thức trực tuyến qua mạng internet. Địa phương có tỷ lệ người dân sẵn sàng góp ý theo hình thức trực tuyến qua mạng internet cao nhất cũng chỉ là 16,76% và tỉnh, thành phố có tỷ lệ thấp nhất là 1,08%.

Các cơ quan hữu quan cần lưu ý kết quả đo lường này để thường xuyên ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, truyền thông khảo sát bằng các hình thức khác nhau về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước và công chức, viên chức trên các nội dung quản lý nhà nước như ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật, cung cấp dịch vụ công...

Thông qua dữ liệu được tổng hợp, phân tích, cơ quan giám sát các cấp cũng như người dân nắm bắt kịp thời về tình hình phục vụ của các cơ quan, đơn vị, từ đó chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ người dân, tổ chức, đồng thời có cơ sở sàng lọc, kiến nghị kịp thời thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín với nhân dân ■